Sốc nhiệt vì nắng nóng có thể gây đột tử
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:31, 02/06/2017
Biến chứng nặng nề
Trong những ngày vừa qua, miền Bắc nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng đang trải qua đợt nắng nóng đỉnh điểm và kéo dài với nhiệt độ ngoài trời có thời điểm lên đến trên 40 độ C. Với điều kiện thời tiết như vậy, những người thường xuyên phải di chuyển hoặc làm việc dưới ánh nắng mặt trời rất dễ bị sốc nhiệt. Nếu không được phát hiện và phát hiện kịp thời, sốc nhiệt sẽ để lại những biến chứng và hậu quả nặng nề.
BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết, sốc nhiệt là hình thái nghiêm trọng nhất của tổn thương do nhiệt. Là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Sốc nhiệt có thể giết hoặc gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể.
Người dân che kín khi đi ra đường trong trời nắng nóng
Theo BS Chính, dấu hiệu chính của sốc nhiệt là nhiệt độ cơ thể lớn hơn hoặc bằng 40 độ C. Sốc nhiệt thường biểu hiện ban đầu bằng các rối loạn nhẹ hơn liên quan tới nhiệt như chuột rút do nhiệt, ngất xỉu do nhiệt, và lả nhiệt (kiệt sức vì nóng). Nhưng sốc nhiệt cũng có thể tấn công/biểu hiện ngay cả khi không có dấu hiệu tổn thương do nhiệt báo trước.
Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như thấy da nóng và khô khi chạm vào, trong trường hợp sốc nhiệt do gắng sức, sẽ cảm thấy da ẩm ướt. Thậm chí có người còn cảm thấy khó chịu, bồn nôn, da ửng đỏ…
Làm gì khi bị sốc nhiệt?
Theo BS Chính, nếu gặp một người bị sốc nhiệt cần gọi cấp cứu ngay lập tức, đồng thời làm mát cho nạn nhân trong thời gian đợi cấp cứu.
Nhanh chóng làm mát cơ thể bằng cách: Đưa nạn nhân vào bóng râm hoặc vào trong nhà; Cởi bỏ bớt quần áo cho nạn nhân; Phủ khăn mát hoặc xịt nước mát lên người để làm mát cơ thể… Cho họ uống nước mát hoặc các loại đồ uống không có cồn và cafein khác nếu họ có thể uống được.
Sau khi hạ nhiệt tại nhà cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để có thăm khám, xét nghiệm, chụp chiếu… trên cơ sở đó có phương pháp điều trị thích hợp tránh biến chứng.
Cũng theo BS Lương Quốc Chính, cách phòng sốc nhiệt tốt nhất là khi chỉ số nhiệt cao, tốt nhất là ở trong môi trường điều hòa. Nếu bạn phải đi ra ngoài, bạn có thể dự phòng sốc nhiệt nên mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, và đội một chiếc mũ rộng vành; Sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng; Uống nhiều nước để tránh mất nước, nói chung khuyến cáo mỗi ngày uống ít nhất 8 cốc nước, nước trái cây, hoặc nước rau...
Việc hạ nhiệt cơ thể những ngày nắng nóng là điều rất quan trọng nhưng cần đúng cách. Để hạ nhiệt nhanh sau khi ở ngoài trời nắng nóng, rất nhiều người tìm cách giải nhiệt bằng nước đá. Việc làm này không hề làm cho cơ thể được mát hơn mà có thể làm cho tim đập loạn nhịp, gây viêm họng và ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nhiều người chủ quan khi đi trời nóng về, cơ thể đang đầm đìa mồ hôi liền đi tắm gội. Cơ thể bạn có thể thấy thoải mái, mát mẻ ngay lúc đó nhưng chỉ là tạm thời. Sự giảm nhiệt đột ngột ấy có thể gây cảm, đột qụy nguy hiểm đến tính mạng. |