Nâng cao nhận thức về vai trò thi đua, khen thưởng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Chính trị - Ngày đăng : 16:07, 06/01/2020
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
Sáng 6/1, tại Hà Nội, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị 34 ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị “Về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng và triển khai nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng năm 2020".
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương chủ trì hội nghị.
Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, sáng tạo
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, cho biết qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, cấp ủy Đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp ngày càng quan tâm thực hiện công tác thi đua, khen thưởng; cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.
Công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện quy định pháp luật về thi đua, khen thưởng được các ngành, các cấp nghiên cứu, xây dựng, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng; triển khai hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm; nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong tham mưu, đề xuất và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ.
Phong trào thi đua ngày càng thiết thực, hiệu quả, có nhiều đổi mới, sáng tạo, từng bước khắc phục tính hình thức. Các phong trào được triển khai bài bản, hình thức đa dạng, phong phú, có tiêu chí và nội dung rõ ràng, cụ thể, thiết thực, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhân dân.
Từ năm 2015 đến nay, Ban Thi đua khen thưởng Trung ương đã thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước khen thưởng hơn 498.000 trường hợp, trong đó tỷ lệ khen thưởng cống hiến chiếm gần 7%; khen thưởng người trực tiếp lao động, sản xuất, học tập, công tác chiếm hơn 20%/…Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các điển hình tiên tiến đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan làm công tác thi đua, khen thưởng với các cơ quan truyền thông trong việc giới thiệu, tuyên truyền các điển hình tiên tiến.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, bà Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương cho biết, sẽ tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và lãnh đạo chính quyền các cấp, tạo sự chuyển biến manh mẽ hơn nữa nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng.
Cùng với đó, phong trào thi đua phải bám sát nhiệm vụ chính trị của bộ, ngành, địa phương, đơn vị để làm nội dung thi đua. Trong đó, tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, đa dạng, có tiêu chí cụ thể. Đồng thời tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 10.
Nhân rộng, lan tỏa các điển hình tiên tiến
Thay mặt lãnh đạo Nhà nước và Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của toàn ngành và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác thi đua, khen thưởng, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhận định, thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong những năm qua có sự đóng góp quan trọng của phong trào thi đua và công tác khen thưởng.
Điểm lại tình hình chung của đất nước trong năm 2019, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh khẳng định những thành tựu đáng tự hào đó có sự đóng góp, nỗ lực không nhỏ của công tác thi đua, khen thưởng.
Năm 2020 có nhiều sự kiện trọng đại như kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đại hội thi đua yêu nước các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X..., Phó Chủ tịch nước đề nghị ngành thi đua, khen thưởng phát huy kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần có định hướng đổi mới công tác thi đua, khen thưởng để phong trào thi đua và công tác khen thưởng đạt hiệu quả thiết thực, thực sự trở thành động lực cách mạng to lớn, thúc đẩy việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức chức thành công Đại hội thi đua yêu nước các cấp và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X; phát hiện biểu dương, tôn vinh các gương người tốt việc tốt và nhân rộng, lan tỏa các điển hình tiên tiến.
Cả nước quyết tâm thi đua sôi nổi, thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Ngoài ra, Phó Chủ tịch nước đề nghị toàn ngành tập trung đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua, gắn với việc "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động...
Về tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng, Phó Chủ tịch nước đề nghị Bộ Nội vụ củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng các cấp theo hướng ổn định, tinh gọn, thống nhất từ Trung ương đến địa phương; xây dựng đội ngũ công chức làm công tác thi đua, khen thưởng chất lượng, có phẩm chất chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có năng lực tham mưu, nghiên cứu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách, pháp luật, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương chú trọng công tác bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng, góp phần nâng cao chất lượng phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng.