Ca nhiễm HIV lóc động mạch chủ type A đầu tiên tại Việt Nam được cứu sống

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:47, 18/05/2017

Thông tin từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đơn vị vừa phẫu thuật thành công, cứu sống một nữ bệnh nhân 42 tuổi bị nhiễm HIV lóc tách động mạch chủ type A.

Đây là ca bệnh đầu tiên mắc bệnh mắc hội chứng Marphan trên nền nhiễm HIV (bệnh nhân phát hiện và điều trị thuốc ARV từ năm 2015) tại Việt Nam được cứu sống.

Được biết, bệnh nhân mắc hội chứng Marphan, phát hiện HIV từ năm 2005, điều trị thuốc ARV từ năm 2015. Bệnh nhân nhập viện ngày 4/5 trong tình trạng bị lóc động mạch chủ type A mãn tính, phồng gốc động mạch chủ, hở van động mạch chủ, hở van hai lá, phồng hình thoi động mạch chủ bụng dưới thận.

Ca nhiễm HIV lóc động mạch chủ type A đầu tiên tại Việt Nam được cứu sống

Bệnh nhân hồi phục nhanh sau ca phẫu thuật

Ngày 9/5 kíp mổ do PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – BV Hữu nghị Việt Đức cùng TS.BS Phùng Duy Hồng Sơn, Khoa phẫu thuật Tim mạch và lồng ngực tiến hành phẫu thuật.

Kíp phẫu thuật đã tiến hành thay van động mạch chủ, thay động mạch chủ lên, cắm lại hai động mạch vành, sửa van hai lá có vòng van. Ca mổ kéo dài suốt 8 giờ đồng hồ.

Điều đáng lưu ý là bệnh nhân bị nhiễm HIV nên hệ miễn dịch bị suy giảm, vì thế nguy cơ nhiễm trùng rất cao trong và sau mổ. Bên cạnh đó, nguy cơ phơi nhiễm HIV đối với kíp bác sĩ thực hiện mổ là rất cao.

Sau mổ, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản sau 6 giờ, quá trình hậu phẫu diễn ra thuận lợi. Bệnh nhân đã được chuyển sang Khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn và được điều trị nội khoa sau mổ. Dự kiến bệnh nhân sẽ xuất viện trong tuần tới.

Ca nhiễm HIV lóc động mạch chủ type A đầu tiên tại Việt Nam được cứu sống

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước - Trưởng khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực – BV Hữu nghị Việt Đức - người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước cũng cho biết, ca mổ rất phức tạp bởi bệnh nhân mắc hội chứng Marphan. Marphan là bệnh lý bẩm sinh, di truyền gây tổn thương mô liên kết. Hội chứng  Marphan chỉ chiếm khoảng 0.5% dân số. Bệnh nhân mắc hội chứng Marphan có nhiều biểu hiện bệnh lý về mắt, cơ xương khớp, tim mạch...

Theo PGS.TS Ước, đây là bệnh lý nặng nguy hiểm tính mạng. Lóc động mạch chủ chỉ gặp với tần suất 3-4 bệnh nhân/100.000 dân/năm. Bệnh nhân nếu không được điều trị tỷ lệ sống sau một năm dưới 10%.

Thảo Nguyên