Cậu bé 10 tuổi hồi sinh nhờ lá gan của mẹ

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:17, 18/04/2017

Để cậu con trai bé bỏng tiếp tục được sống, chị Phạm Thủy Tiên (40 tuổi – Bạc Liêu) chấp nhận mất đi 1/4 lá gan của mình tái tạo thành lá gan mới cho con.

BS Nguyễn Thu Thủy - Khoa Tiêu hóa Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, bệnh viện vừa thực hiện thành công ca phẫu thuật ghép gan phức tạp nhất từ trước đến nay. Đây còn là ca ghép gan lớn tuổi nhất mà bệnh viện này thực hiện thành công từ trước tới nay.

Bệnh nhân ghép gan là bé trai Dương Gia Khiêm (10 tuổi, quê Bạc Liêu); còn người cho gan là chị Phạm Thủy Tiên (40 tuổi, mẹ bé Khiêm).

Cậu bé 10 tuổi hồi sinh nhờ lá gan của mẹ

Các bác sĩ đã thực hiện thành công cuộc ghép nhiều khó khăn

Được biết, cuộc phẫu thuật ghép gan cho bé trai này bắt đầu lúc 8h30 và kết thúc vào khoảng 20h30 ngày 28/3/2017. Ca phẫu thuật do GS.BS Trần Đông A - Trưởng ê kíp phẫu thuật cùng với các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 và giáo sư đến từ Vương quốc Bỉ thực hiện.

Theo Giáo sư Trần Đông A, ở những ca ghép gan trước, các bệnh nhi thường dưới 2 tuổi còn bé Khiêm 10 tuổi, được coi là ca phẫu thuật cho bệnh nhi lớn tuổi nhất. Bệnh nhi này cần gần nửa lá gan từ người mẹ.

Ê-kíp phẫu thuật gặp khá nhiều khó khăn với ca phẫu thuật bởi bệnh nhi bị tăng áp lực động mạch cửa khiến lá lách to bất thường làm cho tiểu cầu giảm rất thấp, chỉ còn 29.000 đơn vị (người bình thường từ 130.000 – 400.000 đơn vị tiểu cầu).

Các bác sĩ đã quyết định chỉ truyền 50.000 đơn vị, khi mổ sẽ cột động mạch lá lách lại để giảm lượng máu từ lách đến gan qua đường tĩnh mạch cửa.

Cậu bé 10 tuổi hồi sinh nhờ lá gan của mẹ

Sức khỏe bé Khiêm và mẹ sau ca phẫu thuật đã dần ổn định trở lại.

Suốt gần 12 giờ phẫu thuật, các bác sĩ đã cắt toàn bộ lá gan bên trái của người mẹ, ghép thành công vào cơ thể bệnh nhi. Tuy nhiên, sau ghép bệnh nhi bị vàng mắt, vàng da do tình trạng tăng áp tĩnh mạch cửa gây chèn ép đường mật của phần gan được ghép từ người mẹ. Bên cạnh đó, bệnh nhi còn bị tràn dịch dưỡng trấp do tổn thương mạch treo, cuộc ghép đối mặt với nguy cơ thất bại trong quá trình hậu phẫu.

Trước những nguy cơ có thể xảy đến, các bác sĩ đã túc trực, theo dõi sát mọi diễn biến sức khỏe của bệnh nhi, tiến hành điều trị tích cực về chuyên môn. Qua siêu âm liên tục mỗi ngày ghi nhận, đường mật của bệnh nhân may mắn không bị tắc mà chỉ bị chèn ép.

Sau 20 ngày chăm sóc tích cực, các chỉ số sinh hiệu của bệnh nhi dần trở lại mức bình thường. Ngày 18/4, tại khoa Hồi sức, cậu bé đã ăn uống tốt, đi lại bình thường, người mẹ cũng ổn định sức khỏe.

Thảo Nguyên