Bộ Y tế nâng mức cảnh báo với cúm H7N9 độc lực cao

Sức khỏe - Ngày đăng : 14:10, 03/03/2017

Trước diễn biến bất thường của dịch cúm chết người A/H7N9 tại Trung Quốc với 96 ca tử vong trong 2 tháng đầu năm, Bộ Y tế đề nghị nâng mức cảnh báo với dịch cúm chết người.

Nâng mức cảnh báo dịch

Sáng 3/3, Ban chỉ đạo phòng chống các chủng virus cúm gia cầm độc lực cao trên người đã họp trước những diễn biến phức tạp về tình hình dịch cúm gia cầm.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã đề nghị nâng mức cảnh báo dịch cúm gia cầm tại Việt Nam  lên mức cao hơn, không dừng lại ở mức độ 1 nữa.

Từ tháng 10 năm ngoái tới nay, dịch cúm gia cầm A/H7N9 tại Trung Quốc có chiều hướng gia tăng mạnh cả về quy mô, số ca bệnh và tốc độ lây lan. Từ đầu năm đến nay Trung Quốc ghi nhận 460 bệnh nhân, con số cao nhất từ trước đến nay. Riêng tuần từ 15/2 đến 22/2 có đến 56 ca mắc mới tập trung tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây, đặc biệt là tỉnh Vân Nam và Quảng Tây giáp ranh biên giới Việt Nam.

Bộ Y tế nâng mức cảnh báo với cúm H7N9 độc lực cao

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị nâng mức cảnh báo với dịch cúm A/H7N9.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo sự thay đổi của chủng virus này với độc lực cao hơn trên gia cầm. Theo ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, nguy cơ cao dịch cúm gia cầm H7N9 xâm nhập vào nước ta, lây truyền sang người và bùng phát dịch. Bên cạnh đó dịch cúm H5N1 trên đàn gia cầm trong nước đang có diễn biến phức tạp.

Năm 2016, dịch H5N1 chỉ xuất hiện ở 3 tỉnh thành thì từ đầu năm đến nay đã xảy ra ở 7 tỉnh thành gồm: Bạc Liêu, Nam Định, An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Nghệ An, Quảng Ngãi. Tất cả ổ dịch chưa qua 21 ngày.

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thu Thuỷ, Phó Cục trưởng Cục Thú ý (Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn) cho biết, qua các mẫu giám sát tại Việt Nam chưa phát hiện cúm A/H7N9 trên đàn gia cầm. Hiện nay các mẫu giám sát vẫn được tiếp tục tăng cường lấy tại các tỉnh vùng biên, nhưng rất khó khăn bởi cúm A/H7N9 không biểu hiện trên đàn gia cầm, gia cầm không biểu hiện ốm, chết như cúm A/H5N1.

Bà Thủy cho biết thêm, ngoài việc lấy mẫu giám sát trên đàn gia cầm, Cục Thú y đã yêu cầu tiêm chủng trở lại các đàn gia cầm, đặc biệt đàn thủy cầm, giám sát giết mổ, ngăn chặn gia cầm nhập lậu từ biên giới vào.

“Tuy nhiên thực tế, vẫn chưa chấm dứt được tình trạng vận chuyển gia cầm từ Trung Quốc vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch, nguy cơ cúm A/H7N9 xâm nhập là rất cao”, bà Thủy nói.

Xem xét tờ khai y tế người nhập cảnh từ Trung Quốc

Tại 29 cửa khẩu quốc tế lớn của Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm đã giám sát trên 90 nghìn lượt hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc, Campuchia, không nghi nhận trường hợp nào nghi ngờ nhiễm cúm gia cầm.

Bộ Y tế nâng mức cảnh báo với cúm H7N9 độc lực cao

Bộ Y tế đề nghị xem xét thực hiện tờ khai y tế với hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc.

Thứ trưởng Long đề xuất, cần xem xét thực hiện tờ khai y tế với người nhập cảnh từ Trung Quốc. “Tuy mức độ dịch chưa hạn chế đi lại tới vùng có dịch, nhưng Bộ Y tế khuyến cáo, chỉ khi có việc cần thiết phải đến vùng dịch thì mới nên đi”, ông Long nói.

Thứ trưởng cũng bày tỏ lo ngại khi mà cúm A/H7N9 trên gia cầm triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ lơ là chủ quan. Người dân có thể giết mổ, ăn uống gia cầm tưởng lành nhưng thực tế lại mang mầm bệnh. Trong khi đó, chủng cúm này có tỉ lệ tử vong cao.

Vì thế, Bộ Y tế khuyến cáo người dân tiếp xúc, giết mổ gia cầm cần có phương tiện bảo hộ, tuyệt đối không ăn tiết canh (vịt, ngan) phòng nguy cơ lây lan cúm gia cầm sang người.

Thứ trưởng cũng yêu cầu Hà Nội giám sát chợ Hà Vỹ vì gia cầm tiêu thụ ở đây lớn, giá gia cầm giảm xuống càng kích thích cho việc nhập lậu. Yêu cầu bộ đội biên phòng tăng cường kiểm soát gia cầm nhập lậu qua đường mòn. Trang bị bảo hộ cho cán bộ chiến sĩ, tránh việc tiếp xúc, lây từ gia cầm.

Thảo Nguyên