WHO công bố danh sách 12 loại vi khuẩn đe dọa loài người
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:06, 01/03/2017
Sinh mạng người dân toàn thế giới đang bị siêu vi khuẩn đe dọa
WHO đã phân loại 12 vi khuẩn thành các mục cấp bách cần có thuốc mới: ưu tiên cấp thiết, cao và trung bình.
Nhóm cấp thiết bao gồm những vi khuẩn gây nhiễm trùng đang kháng với nhiều thuốc và đặt ra mối đe dọa đặc biệt trong các bệnh viện và nhà dưỡng lão, và đặc biệt là với những bệnh nhân thở máy hoặc lọc máu.
Các vi khuẩn trong nhóm cấp thiết bao gồm: Acinetobacter, Pseudomonas, và một số Enterobacteriaceae (bao gồm E. coli, Klebsiella, Proteus, và Serratia). Những tác nhân này có thể gây nhiễm trùng nặng và thường gây tử vong, bao gồm viêm phổi và nhiễm trùng máu.
Các nhóm ưu tiên cao và trung bình gồm các vi khuẩn khác đang ngày càng kháng các thuốc hiện có, và gây những nhiễm trùng thông thường hơn như lậu, ngộ độc thực phẩm (gây ra bởi vi khuẩn salmonella), và nhiễm tụ cầu (gây ra bởi các dạng tụ cầu vàng kháng thuốc, chẳng hạn như MRSA).
Các chủng kháng thuốc của những vi khuẩn sau cũng nằm trong nhóm ưu tiên cao và trung bình: Enterococcus faecium, Helicobacter pylori, loài Campylobacter, Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, và loài vi khuẩn Shigella.
Acinetobacter baumannii, siêu vi khuẩn đứng đầu danh sách
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Tubingen ở Đức đã phối hợp với WHO trong việc biên soạn danh sách, sử dụng các tiêu chí và phương pháp ra quyết định đã được thừa nhận bởi các chuyên gia quốc tế.
Các tiêu chí bao gồm: tử vong do tác nhân gây bệnh; thời gian nằm viện mà chúng gây ra; tần số kháng kháng sinh khi lây lan trong cộng đồng; dễ dàng lây lan trên động vật, từ động vật sang người, và từ người sang người; độ khó trong ngăn ngừa nhiễm trùng; có bao nhiêu lựa chọn điều trị; và liệu các thuốc mới để đối phó với chúng có đang được phát triển chưa.
Theo Phó tổng giám đốc WHO Marie-Paule Kieny, danh sách những nhóm vi khuẩn này cần phải được chú ý để giúp tăng cường các nghiên cứu tìm ra các loại thuốc chống lại các tác nhân gây bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách của y tế cộng đồng.
WHO cũng kêu gọi tăng cường phòng ngừa, kiểm soát các nhiễm khuẩn và sử dụng kháng sinh ở người và các loài động vật khác. Ngoài ra, các khả năng phòng ngừa, số lượng các khả năng lựa chọn điều trị còn tác dụng và sự sẵn có của thuốc kháng sinh mới cũng là các yếu tố được các nhà khoa học tính đến.