Vụ 2 người tử vong tại BV đa khoa Trí Đức: Người nhà tiếp tục cầu cứu Bộ Y tế

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:41, 24/02/2017

Ngày 23/2, chị Vũ Hà Phương, vợ nạn nhân Hoàng Văn Trấn, tử vong trong quá trình gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức đã có đơn cầu cứu gửi Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) và Thanh tra Bộ Y tế.

Trong đơn cầu cứu, chị Hà Phương viết:  “Ngày 21/2, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, gia đình chúng tôi được biết kết luận của Hội đồng chuyên môn về nguyên nhân cái chết của chồng tôi. Kết luận này khiến cho gia đình chúng tôi vô cùng bức xúc. Vì vậy thay mặt gia đình và cũng là người đại diện cho nạn nhân Hoàng Văn Trấn, tôi viết thư này kiến nghị các ban, ngành thuộc Bộ Y tế vào cuộc để làm rõ một vài điểm...".

Điều chị Phương băn khoăn nhất: “Tại sao trước ca phẫu thuật của chồng tôi 30 phút đã gặp sự cố “sốc phản vệ” mà lại không dừng ca phẫu thuật của chồng tôi lại? Trong bản kết luận ghi gõ là thuốc dùng phổ cập đạt chất lượng, dùng đúng liều, đúng quy trình, rồi cấp cứu cũng…đúng quy trình. Đúng quy trình mà chồng tôi vẫn chết?”.

Vụ 2 người tử vong tại BV đa khoa Trí Đức: Người nhà tiếp tục cầu cứu Bộ Y tế

Bệnh viện đa khoa Trí Đức, nơi xảy ra vụ việc

Theo chị Phương: "Trong kết luận của Hội đồng chuyên môn đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khẳng định tất cả kỹ thuật gây mê và thuốc gây mê đều đúng quy trình. Vậy thử hỏi chồng tôi có chết đúng quy trình hay không? Trong kết luận không đề cập đến trách nhiệm của Bệnh viện đa khoa Trí Đức trong khi chồng tôi lại tử vong tại bệnh viện này. Vậy trách nhiệm đối với cái chết của chồng tôi thuộc về cá nhân, tập thể nào?"

Vợ của bệnh nhân Trấn cũng cho rằng, thông tin về nguyên nhân tử vong của chồng chị cũng chưa rõ ràng, khi mà Hội đồng chuyên môn nói “chưa đủ thông tin lý giải tình trạng suy hô hấp cấp nổi trội hơn suy tuần hoàn ở cả 2 trường hợp trên”.

Trong khi đó, chị Thanh, em gái của nạn nhân nữ Quách Thị Mai P. (Bệnh nhân sinh năm 1979, tử vong sau gây mê để phẫu thuật chữa đa u 2 thùy tuyến giáp hôm 25/12) cũng cho rằng có nhiều điều chưa rõ ràng trong bản kết luận của hội đồng chuyên môn.

“Không làm về chuyên môn, tôi không biết máy chống rung là gì, có tác dụng gì này trong chẩn đoán, cấp cứu người bệnh. Nhưng đọc trên báo chí, thấy thông tin Hội đồng có nói cần có máy chống rung trong phòng phẫu thuật nên chưa nói rõ được trách nhiệm của Bệnh việnđa khoa  Trí Đức trong vụ việc. Rõ ràng là một máy móc cần có trong phòng mổ, nhất là nếu nó liên quan trực tiếp đến việc phát hiện sốc sớm thì vai trò rất quan trọng”, chị Thanh nói.

Vì những điều chưa rõ ràng này, chị Thanh cho biết cũng sẽ tiếp tục kiến nghị lên Bộ Y tế để tìm ra nguyên nhân tử vong chính xác của chị gái mình.

Thảo Nguyên