Chế độ luyện tập giữ sức khỏe của các VĐV khuyết tật
Sức khỏe - Ngày đăng : 11:33, 18/02/2017
Để thể chất và tinh thần cùng khỏe
Chắc hẳn người hâm mộ thể thao nước nhà không thể quên VĐV khuyết tật Lê Văn Công, người đã phá vỡ kỉ lục thế giới của chính mình bằng việc nâng thành công mức tạ 183 kg- một cân nặng gấp 4 lần trọng lượng cơ thể. Anh cũng là người đầu tiên mang tấm huy chương vàng Paralympic về cho thể thao Việt Nam.
Chia sẻ với phóng viên, anh cho biết, việc tập luyện đối với anh là một niềm đam mê đặc biệt. Chính sự đam mê này cộng với tố chất sẵn có đã giúp anh vượt qua giới hạn và thay đổi số phận của chính mình. Việc tập luyện không chỉ giúp anh rèn luyện sức khỏe mà còn tạo hứng khởi trong công việc, hòa nhập với cuộc sống hơn.
Dù công việc bận rộn nhưng VĐV Lê Văn Công không quên tập luyện mỗi ngày - Ảnh: NVCC
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, đằng sau ánh hào quang của những tấm huy chương là những chuỗi ngày anh rơi vào khủng hoảng. Năm 2009, anh bị tai nạn dẫn đến đứt dây chằng ở vai. Đúng 6 tháng sau, vợ anh sinh con trai đầu lòng. Lúc này, sức khỏe anh giảm sút cùng với đó là những suy nghĩ tiêu cực vì bất lực, không giúp được gì vợ con. Sau 3 năm điều trị, cùng với sự kiên trì tập luyện, anh đã có những thành công vang dội trên đấu trường thể thao quốc tế.
Bên cạnh việc luyện tập thể thao, anh cùng người thầy của mình đã hùn vốn xây dựng một xưởng sản xuất ampli rộng khoảng 80m2. Xưởng của anh tuy nhỏ nhưng đắt hàng và không có hàng tồn kho. Với một người khỏe mạnh, việc lao động đã vất vả huống chi là một người khuyết tật, tuy nhiên anh vẫn luôn cố gắng, và sau mỗi buổi làm anh Công đều dành thời gian cho việc tập luyện.
“Ngày nào mà không đi tập là thấy bứt rứt không yên. Bởi thế, dù ở xưởng về muộn nhưng mình vẫn ghé qua câu lạc bộ thể thao cho người khuyết tật để tập. Mỗi tuần đi tập 3 buổi, mỗi buổi tập trong khoảng thời gian 1,5-2 giờ. Muốn làm được việc trước tiên phải có sức khỏe”- VĐV Lê Văn Công chia sẻ.
Theo anh Lê Văn Công, một người thể chất và tinh thần cùng khỏe thì mới được gọi là có sức khỏe. Người có thể lực tốt nhưng tư tưởng bế tắc thì không phải là khỏe.
Người trẻ hãy vận động
Cùng quan điểm với VĐV Lê Văn Công, người hùng thể thao khuyết tật Cao Ngọc Hùng cho rằng, sức khỏe thể chất phải đi đôi với tinh thần. Khi tinh thần thoải mái cùng sức khỏe tốt khiến cuộc sống chúng ta lạc quan, tươi mới để có thể cống hiến được nhiều hơn.
Mang khiếm khuyết cơ thể nhưng bằng ý chí hơn người, chàng trai quê Quảng Bình, Cao Ngọc Hùng đã làm nên lịch sử cho điền kinh khuyết tật Việt Nam với tấm huy chương đầu tiên ở đấu trường Paralympic.
Với VĐV Cao Ngọc Hùng, việc tập luyện không chỉ mang đến cho anh sức khỏe, hào quang mà hơn hết anh có một gia đình hạnh phúc với người vợ cùng hoàn cảnh, hết lòng vì chồng con.
Chia sẻ với phóng viên, anh Cao Ngọc Hùng cho biết: “Vì quá say mê việc tập luyện nên thời gian đầu anh đi bộ hơn 5km đến phòng tập 1-2 tiếng rồi lại đi bộ về. Đi tập về cũng không có gì ăn chỉ có ăn cơm với muối. Lúc đó, mẹ lại bị tai biến nằm liệt giường nên khó khăn chồng chất khó khăn. Tuy nhiên, không vì thế mà anh bỏ tập bởi anh biết nó giúp anh rèn luyện sức khỏe, ý chí để mình không bị gục ngã trước những bất hạnh của cuộc sống”.
Thể thao giúp VĐV Cao Ngọc Hùng có sức khỏe và động lực để tiến lên phía trước - Ảnh: NVCC
Nói về thời gian và cách thức tập luyện, anh Hùng cho biết mỗi ngày anh dành ra 5 tiếng để tập. Cụ thể, từ 7-9h sáng, anh tập thể lực và từ 15-18h chiều anh tập kỹ thuật. Mỗi tuần, VĐV Cao Ngọc Hùng tập từ thứ 2 đến thứ 7 và nghỉ vào ngày Chủ nhật.
Anh chia sẻ: “Thể thao rất quan trọng. Nó giúp cơ thể khỏe hơn để chống lại bệnh tật và cởi mở, chia sẻ với mọi người, cuộc sống hơn. Từ đó, giúp chúng ta tin hơn vào cuộc sống và nỗ lực hết mình trong công việc”.
Với những người khuyết tật khi mới bắt đầu tập thể thao, VĐV Cao Ngọc Hùng lưu ý rằng cần phải tập thật chậm vì chưa quen. Đồng thời, nên tập ít lại và có người ở bên hướng dẫn để tránh chấn thương.
Khi được hỏi, hiện nay nhiều người trẻ ngại vận động và dành nhiều thời gian vào điện thoại di động, máy tính, trò chơi điện tử, facebook…, VĐV Cao Ngọc Hùng chia sẻ: “Việc bạn trẻ không để ý đến sức khỏe của mình sẽ ảnh hưởng đến tâm lý. Người trẻ hãy vận động và không nên lạm dụng công nghệ thông tin. Có rất nhiều hoạt động thể chất thực tế mà người trẻ cần tham gia để tăng cường hiểu biết và rèn luyện chính mình”.
“Mình có được như ngày hôm nay là nhờ thể thao. Thể thao giúp mình có sức khỏe và động lực để tiến lên phía trước. Bên cạnh rèn luyện thể chất, các bạn khuyết tật hãy mở rộng trái tim, mở lòng để người khác có thể gần mình hơn…” VĐV Cao Ngọc Hùng chia sẻ.