Dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ gia tăng tại các tỉnh phía Nam

Sức khỏe - Ngày đăng : 18:16, 16/02/2017

Ngày 16/2, tại Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị “Triển khai công tác Phòng chống dịch khu vực phía Nam năm 2017”.

Dịch bệnh có xu hướng gia tăng

Tại hội nghị, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, tình hình dịch bệnh trên thế giới diễn biến rất phức tạp, có khả năng xâm nhập vào Việt Nam hoặc bùng phát.

Dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ gia tăng tại các tỉnh phía Nam

Dịch bệnh diễn biến phức tạp ở các tỉnh phía Nam

Theo ông Trần Đắc Phu, trong thời gian qua do biến động của thời tiết mưa nắng thất thường nên cũng có thể làm gia tăng các dịch bệnh trên. Ngoài ra, tuy bệnh sốt rét đã giảm nhưng phần lớn những ca bệnh nặng là do các cơ sở y tế phát hiện muộn và chẩn đoán sai bệnh. Điều đáng lo ngại hơn nữa là tình tình trạng kháng thuốc sốt rét.

Đánh giá của Cục Y tế Dự phòng cho biết, Việt Nam hiện lưu hành 4 tuýp virus SXH, bệnh không có miễn dịch chéo nên một người có thể mắc nhiều tuýp. Miễn dịch của bệnh không bền vững suốt đời nên người mắc bệnh trước đó, năm nay vẫn có thể mắc lại. Người bệnh cũng trở thành nguồn lây truyền bệnh nếu sơ ý để muỗi đốt người bệnh SXH rồi lại đốt người khỏe mạnh. Do đó người dân không nên chủ quan với căn bệnh này.

Hiện tại, nếu không thực hiện tốt các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn như cúm gia cầm, Ebola, MERS, Cov, một số dịch bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, Zika, dại, liên cầu lợn, viêm não vi rút vẫn là thách thức đối với việc giảm số mắc và tử vong.

Bệnh do virus Zika còn diễn biến phức tạp

Cũng tại hội nghị, PGS.TS.BS Phan Trọng Lân, Viện trưởng viện Pasteur, TP.HCM cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới đánh giá, năm 2017, Zika vẫn là thách thức lâu dài, đòi hỏi tăng cường hành động, thiết lập kế hoạch đáp ứng dài hạn, liên tục.

Theo số liệu thống kê, ở nước ta từ năm 2016 đến nay cả nước có 227 trường hợp xác định nhiễm vi rút Zika, trong đó tập trung chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh với 207 ca bệnh, số còn lại nằm rải rác ở 9 tỉnh, thành phố khác như Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Cần Thơ, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh…

Dịch bệnh do virus Zika có nguy cơ gia tăng tại các tỉnh phía Nam

Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh tổ chức lồng ghép truyền thông về bệnh do vi rút Zika trong chương trình tư vấn tầm soát thai kỳ cho thai phụ. Ảnh: Phương Vy-TTXVN.

Dự báo năm 2017 sẽ gia tăng bệnh do vi rút Zika tại tất cả các tỉnh khu vực phía Nam, khả năng bùng dịch nếu không có kế hoạch giám sát và đối phó từ đầu năm, không kiểm soát triệt để véc tơ truyền bệnh.

Khó khăn thách thức cho khu vực phía Nam là bệnh lây qua véc tơ nên kiểm soát khó hiệu quả nhất. Bệnh khó phát hiện vì nhẹ và không có triệu chứng. Khu vực phía Nam có tần suất giao lưu đi lại cao, biến động dân cư mạnh, là khu vực thuộc vùng lưu hành của muỗi vằn, có ổ bọ gậy nguồn đa dạng, phong phú.

Giải pháp để phòng chống Zika năm 2017 tại khu vực phía Nam là ưu tiên thực hiện giám sát véc tơ nhằm xác định được ổ bọ gậy nguồn, xác định được vùng nguy cơ dịch giúp chỉ đúng điểm, đúng đích để xử lý. Về chính quyền, tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, xử phạt hành chính cá nhân tập thể không chấp hành, giải quyết tổng thể về cấp nước sạch, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đối với ngành y tế, xử lý ổ dịch khi phát hiện, triển khai chiến dịch diệt lăng quăng tại nơi có nguy cơ, truyền thông giáo dục sức khỏe. Người dân thực hiện thường xuyên thành thói quen việc diệt lăng quăng tại nhà, tự bảo vệ tránh muỗi đốt, đặc biệt phụ nữ mang thai.

Chí Tâm