Thực hư chuyện quý ông uống rượu lẫn bia dễ bị "say mềm"

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:21, 14/02/2017

Hầu hết đàn ông khi được hỏi đều khẳng định uống bia lẫn rượu sẽ càng say, thậm chí "say mềm" hơn. Tuy nhiên, chuyên gia thực phẩm, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng việc uống bia lẫn rượu không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Khi rượu, bia cùng vào…

Khi được hỏi về chuyện uống rượu lẫn bia thì hầu hết phái mạnh, từ người trung niên đến tuổi thanh niên đều khẳng định việc uống bia lẫn rượu sẽ càng say nhanh hơn.

Ông H.V.T (52 tuổi, Hà Nội) cho biết, mỗi lần ông đi đám cưới hay giao lưu với bạn bè mà uống bia lẫn rượu đều say bí tỉ. “Ngày thường, nếu trên mâm cỗ chỉ có bia hoặc rượu thì tình trạng say sẽ “nhẹ nhàng hơn”. Chứ mâm nào mà đủ cả rượu lẫn bia thì say một sẽ thành gấp hai, ba. Mà khi đã say nặng nề thì không thể kiểm soát được mình” ông H.V.T than phiền.

Thực hư chuyện quý ông uống rượu lẫn bia dễ bị

Việc say hay không do lượng cồn đưa vào cơ thế - Ảnh: Internet

Tương tự ông H.V.T, anh N.V.H (24 tuổi, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Gần như ai cũng bảo rằng uống rượu lẫn bia sẽ say nhanh hơn so với bình thường. Họ còn bảo nhau “mẹo” giắt lưng là uống thuốc giảm đau paracetamol để không bị say. Thậm chí, các bài thuốc “truyền miệng” từ rễ cây ớt cay, nõn chuối cũng được áp dụng trước khi vào cỗ bàn”.

Mặc dù nhiều người khẳng định nguyên nhân khiến họ say hơn là do uống bia lẫn rượu nhưng PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội cho rằng việc say hay không phụ thuộc vào lượng cồn đưa vào cơ thể người uống. 

Rượu bia không béo, không bổ

Tuy nhiên, nếu họ uống 4 chén rượu, một lon bia thì có có thể uống được…  nhiều rượu hơn. 100ml rượu 40 độ thì có 400g etanol, 100ml bia có 5g etanol, 100ml rượu vang có 13,5g etanol. Khi đang uống rượu nặng, người uống chuyển sang uống bia thì nồng độ cồn sẽ loãng hơn, bia cũng làm mềm môi hơn nên uống được nhiều hơn nhưng sau đó sẽ dẫn tới việc say đứ đừ, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết.

Nhiều người cho rằng, do mình uống bia rượu lẫn lộn nên say nhanh hơn. Tuy nhiên, dù uống bia hay uống rượu bạn đều say và việc uống rượu trước hay bia trước đều không có tác dụng gì hết. Bởi vậy, việc dân gian truyền miệng “bí quyết” rằng “rượu trước bia sau chỉ có chết, bia trước rượu thì chẳng sao hết” là không chính xác.

Thực hư chuyện quý ông uống rượu lẫn bia dễ bị

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa Hà Nội 

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, người đang uống rượu, chuyển sang uống bia thì khi đi vệ sinh rượu sẽ theo ra ngoài. Khi đó, không chỉ 100ml rượu mà đến 500ml cũng có thể uống được. Đây cũng là lý do khiến bạn uống nhiều rượu hơn bình thường vì không thể định lượng được lượng rượu đưa vào cơ thể. 

Xét về bản chất, bản thân rượu đã là độc tố và các chất có trong rượu cũng mang độc tố. Và giả sử, trong trường hợp đó không phải là rượu chất lượng, có nguồn gố rõ ràng thì người uống rượu chưa say đã chết. Do đó, việc quảng cáo uống thuốc giải rượu nhằm giúp người ta có thể uống nhiều rượu hơn, hay uống nhiều rượu cũng không lo vì đã có thuốc giải rượu về mặt bản chất là đang tiếp tay cho nhau.

Nói về việc sử dụng thuốc giảm đau để giải rượu, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho hay: “Thông thường, để giải rượu người ta thường dùng nước cốt chanh, vitamin E, ăn nõn chuối… Một trong những tác dụng của thuốc giảm đau paracetamol là giảm đau nhức đầu nên khiến những người uống rượu lầm tưởng là mình không say vì lúc đó thần kinh tỉnh. Có thể nói, bia rượu không béo bổ gì và thậm chí còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe nên chúng ta nên hạn chế uống rượu, bia nhất có thể". 

Hữu Lan