Cứu sống trẻ sơ sinh 2 ngày tuổi khỏi khối bướu máu khổng lồ
Sức khỏe - Ngày đăng : 17:20, 06/02/2017
Chiều 6/2, Thạc sỹ, bác sỹ Phạm Thị Thanh Tâm - Trưởng khoa Hồi sức sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bé trai sơ sinh 2 ngày tuổi, nặng 2,5 kg (ngụ tại Thành phố Hồ Chí Minh) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1 cấp cứu khẩn cấp vào tối 1/2 (mùng 5 Tết) trong tình trạng xuất hiện các vết bớt máu màu đen lan tỏa toàn thân cùng với một khối bướu máu khổng lồ ở đùi phải.
“Qua thăm khám và xét nghiệm, chúng tôi nhận thấy khối bướu máu ngày càng to lên với tốc độ rất nhanh, hút hết máu trong cơ thể bệnh nhi và nguy cơ trẻ có khả năng tử vong rất cao. Nguy hiểm hơn, tiểu cầu và các yếu tố đông máu trong cơ thể trẻ giảm mạnh, không thể cầm máu được kèm xuất huyết não”, bác sỹ Thanh Tâm nhận định.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thăm khám cho bệnh nhi.
Ngay sau đó, các bác sỹ xác định việc khẩn cấp trước mắt là phải tìm được nhóm máu phù hợp đồng thời với nhóm máu của mẹ và của bệnh nhi (bởi máu của trẻ sơ sinh trong vòng 7 ngày vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi nhóm máu của người mẹ) để truyền máu bổ sung khẩn cấp. Bên cạnh đó, nguồn máu truyền vào phải là máu mới do trẻ mới chỉ 2 ngày tuổi không thể sử dụng nguồn máu dự trữ quá lâu ngày.
Bác sỹ Tâm cho biết: “Nếu máu truyền không phù hợp sẽ gây ra nguy cơ rối loạn máu và khả năng trẻ tử vong sẽ nhanh hơn. Trong khi đó, do đang trong kỳ nghỉ Tết nên người hiến máu tình nguyện rất khan hiếm, chúng tôi đã phải vận động ngân hàng máu, các bệnh viện trong thành phố mới tìm được nguồn máu phù hợp”.
Sáng 3/2, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã hội chẩn khẩn cấp toàn Bệnh viện với sự tham gia của 9 khoa, phòng liên quan gồm: Hồi sức sơ sinh, Phỏng và tạo hình, Ngoại thần kinh, Ngoại sơ sinh, Đơn vị can thiệp mạch máu, Huyết học, Chẩn đoán hình ảnh, Xét nghiệm và Sơ sinh. Các bác sỹ đã thực hiện kỹ thuật thông tim, can thiệp mạch máu, bít hết các mạch máu dẫn vào khối bướu, sau đó phẫu thuật bóc tách, lấy trọn khối bướu máu ra khỏi cơ thể bệnh nhi.
Sau khoảng 4 tiếng với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa khác nhau, khối bướu máu khổng lồ đã được lấy ra với đường kính khoảng 10-12 cm. Hiện bệnh nhi vẫn còn thở máy, tuy nhiên đã không còn chảy máu, không phải sử dụng chất cầm máu và số lượng máu cần truyền vào đang giảm dần. Tình trạng xuất huyết não cũng không quá nặng, thần kinh của trẻ vẫn có phản xạ, kích thích với các cử động. Mặc dù vậy, bác sỹ Thanh Tâm vẫn lo ngại khả năng tái phát của bướu máu sau này do đây là một trong những loại bệnh bẩm sinh, chưa xác định được nguyên nhân phát bệnh.
Ghi nhận từ y văn thế giới, khả năng tái phát của bướu máu là 2,5%. Tại Mỹ, tỷ lệ trẻ em tử vong khi mắc bướu máu khoảng 40%. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận khoảng 15-20 ca trẻ em mắc bướu máu, tuy nhiên đây là trường hợp bệnh nhi có số ngày tuổi ít nhất và được cấp cứu khẩn cấp trong điều kiện khẩn cấp, ngặt nghèo nhất.