Sơ cứu người ngộ độc rượu cần chú ý gì?
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:50, 29/01/2017
Ngộ độc không kể rượu xịn-thường
Theo bác sĩ Nguyên, thời điểm trước và trong Tết Nguyên đán, ngày nào tại Trung tâm chống độc cũng tiếp nhận các ca ngộ độc rượu bia.
Nhiều trường hợp vào viện trong tình trạng hôn mê sâu với các biến chứng như: khó thở, suy hô hấp, hạ đường huyết, tiêu cơ vân, suy thận. Trong số này phần lớn bệnh nhân ngộ độc rượu do ethanol (rượu tự nấu) và rượu methanol (pha cồn công nghiệp), một số ít trường hợp nặng do uống rượu ngoại, rượu tự ngâm...
Một trường hợp ngộ độc rượu trong tình trạng hôn mê, suy đa tạng
Với ngộ độc do ethanol, trường hợp nhẹ gây ức chế thần kinh trung ương, nói nhiều, không làm chủ được bản thân, nặng thì tụt huyết áp, loạn nhịp tim, thở yếu, có thể ngừng thở, gây hạ đường huyết, viêm dạ dày, chảy máu dạ dày, tổn thương não, hôn mê, tử vong…
Các bác sĩ cho biết triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng cũng có thể sau 1-2 ngày. Do biểu hiện ngộ độc rượu methanol khá giống với người say rượu nên phần lớn người bệnh được đưa đến bệnh viện muộn.
Nằm nghiêng, tránh mất nước khi say rượu
Theo BS Nguyên, khi bệnh nhân bị ngộ độc rượu, nhất là có rối loạn ý thức, nguyên tắc cấp cứu cơ bản ban đầu là phải đảm bảo thông thoáng đường hô hấp, bằng cách cho bệnh nhân nằm cao đầu và nằm nghiêng sang một bên.
“Tốt nhất là nằm nghiêng sang bên phải. Đây là tư thế nghiêng an toàn, có tác dụng dẫn lưu đờm dãi ra ngoài, hạn chế nguy cơ hít vào phổi, đặc biệt trong trường hợp bệnh nhân bị nôn”, BS Nguyên hướng dẫn.
Tư thế này cũng giúp dạ dày uốn cong, thức ăn trong dạ dày không bị kích thích, nôn ra ngoài. Trong khi để bệnh nhân nằm nghiêng, cứ vài giờ phải đánh thức bệnh nhân dậy, tránh bị hôn mê mà không biết.
Số ca say rượu nghiêm trọng, ngộ độc rượu tăng đột biến trong thời gian qua
Cho người bệnh uống nhiều nước ấm để tránh mất nước và để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể, giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi.
Nếu bệnh nhân tỉnh và có thể ăn uống được thì cho ăn cháo loãng hoặc thức ăn chứa tinh bột như ngô, khoai, sắn, hoặc sữa, đường... nhằm tránh hạ đường huyết.
Nếu bệnh nhân không tỉnh, nói ú ớ không rõ từ hoặc có dấu hiệu nặng không biết, thở nhanh và thở sâu, tím tái, chân tay lạnh… thì vẫn giữ bệnh nhân ở tư thế đầu cao, nằm nghiêng an toàn, sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Trường hợp bệnh nhân tỉnh dậy nhưng đau đầu nhiều, chóng mặt và nhìn mờ, sợ ánh sáng, giảm hoặc mất thị lực, ảo thị... cần phải đưa tới bệnh viện khám.
Phải luôn chú ý ủ ấm cho bệnh nhân, đặc biệt khi trời rét. Tuyệt đối không cho người bệnh tự điều khiển xe cộ hay lao động… dễ gây ra các tai nạn đáng tiếc.