Bộ y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh lợn trong dịp Tết
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:04, 14/01/2017
Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, trong năm 2016 cả nước ghi nhận 90 ca bệnh liên cầu khuẩn lợn. Bệnh này thường tăng vào dịp trước và sau Tết khi nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng cao.
Một trường hợp bị hôn mê, suy thận không hồi phục vì liên cầu lợn
PGS.TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết, bệnh liên cầu lợn ít người mắc song tỷ lệ ca nặng, tử vong rất cao. Riêng tại Hà Nội năm qua ghi nhận hơn 10 ca bệnh thì một người tử vong, nhiều người bị di chứng nặng nề…
“Sở dĩ bệnh liên cầu khuẩn lợn có xu hướng tăng trong những năm gần đây một phần do đặc điểm dịch tễ, dịch bệnh trên đàn lợn nuôi di chuyển, bùng phát, lây lan nhiều hơn. Quan trọng nhất là nhiều người dân vẫn chưa từ bỏ thói quen ăn tiết canh, sản phẩm tươi sống chế biến từ thịt” TS Phu nói.
Theo đó, Bộ Y tế khuyến cáo người dân không nên ăn tiết canh, nội tạng lợn và các món ăn được chế biến từ các bộ phận của lợn chưa được nấu chín như: tim, gan, thịt lợn chần tái, nem chua, nem chạo,…); không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, lợn bị xuất huyết hoặc phù nề.
Để phòng bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh, lòng, tim, gan chần tái
Người dân cần sử dụng găng tay cá nhân khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn, và rửa tay bằng xà phòng sau khi xong việc; không vận chuyển, mua bán lợn bệnh, lớn chết; phải tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Những người từng chăn nuôi, giết mổ lợn bệnh, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh mà bị sốt cao đột ngột thì cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Liên cầu lợn là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ lợn sang người. Bệnh này có diễn tiến nhanh, gây suy đa phủ tạng, viêm màng não mủ, giảm thính lực, điếc vĩnh viễn và các di chứng thần kinh.
Ngoài ra, bệnh nhân có nguy cơ tử vong cao nếu bị nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm não. Đặc biệt, những người mắc bệnh rồi hoàn toàn vẫn có thể mắc lại.