Đề xuất lùi thời điểm áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

Chính trị - Ngày đăng : 22:31, 24/12/2019

Chiều nay 24/12, Bộ Công an tổ chức họp báo thông báo kết quả công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm năm 2020. Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì họp báo.

Xử lý nghiêm cán bộ công an sai  phạm

Tại cuộc họp báo, phóng viên đã đặt câu hỏi về việc Thanh tra Bộ Công an đã vào cuộc vụ CSGT Đồng Nai bị tố bảo kê cho xe quá tải. Kết quả thanh tra như thế nào, bao giờ công bố? Ngoài ra, CSGT Đồng Nai còn tố bị ăn chặn tiền trực Tết, vậy, có xem xét xử lý không?

Trả lời câu hỏi này, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Bộ Công an cho biết, sau khi Bộ nhận được thông tin báo chí phản ánh, lãnh đạo Bộ rất khẩn trương, giao cho Thanh tra Bộ tiến hành thẩm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại, việc xác minh đã cơ bản xong.
Kết quả, có 3 nội dung chính, đó là: Đối với phản ánh về một số cán bộ PC08 can thiệp bảo kê xe quả tải thì kết quả kiểm tra đã xác minh, trong đó, có Trung tá Phạm Hải Cảng, Đội trưởng đội CSGT số 2 Công an Đồng Nai đã gọi điện thoại, can thiệp xử lý 10 phương tiện vi phạm;

Tiếp đến là cán bộ Phan Cẩm Tú, Phó đội trưởng Đội CSGT số 1 cũng gọi điện đề nghị can thiệp, không xử lý 6 phương tiện vi phạm. Số phương tiện can thiệp của 2 cán bộ là 6 trường hợp và Bộ Công an đã xác định rõ việc can thiệp là đúng.

Đối với phản ánh về việc cán bộ, chiến sỹ CSGT bị trù dập, tướng Hiếu cho hay, qua kiểm tra xác định, trong năm 2019, Phòng CSGT Công an Đồng Nai đã điều động 72 lượt cán bộ chiến sỹ, trong đó, có 33 trường hợp định kỳ chuyển đổi theo quy định và chuyển đổi 39 cán bộ, chiến sỹ.

Đề xuất lùi thời điểm áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can

Thứ trưởng Lương Tam Quang phát biểu tại buổi họp báo

Ông Hiếu cho biết, việc chuyển đổi theo quy định là bình thường, trong đó, có cán bộ Võ Quốc Khánh được điều động từ Đội CSGT số 2 sang Đội CSGT 1 đều làm công tác tuần tra nên không có căn cứ xác định trù dập trong thời gian này.

Còn về việc quyết toán, chi trả khoản tiền bồi dưỡng, chế độ cho cán bộ, chiến sỹ CSGT số 2 Công an Đồng Nai không đúng quy định, có dấu hiệu ăn chặn, ông Hiếu cho hay, có 2 loại tiền. Trong đó, một khoản là tiền chế độ của cán bộ, chiến sỹ với tổng số tiền là 1,4 tỷ đồng và số tiền này khi nhận về đã không cấp phát cho cán bộ, chiến sỹ mà để lại để sử dụng chung trong đơn vị như tiền điện, nước, ăn, thăm hỏi, hiếu hỷ..

Khoản tiền thứ 2 là tiền bồi dưỡng tham gia kiểm dịch được 63 triệu đồng, trong đó, cán bộ Phạm Hải Cảng tiếp nhận, quan lý 27 triệu đồng, cán bộ Trần Quang Giang, Trương Đình Thông nhận tiền kiểm dịch nhưng không phát cho cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị mà giữ lại sử dụng chung trong đơn vị. "Hiện chúng tôi đã có văn bản đề nghị Bộ Công an giao thanh tra làm cụ thể hơn, chính xác hơn về sai phạm của tập thể, cá nhân có liên quan’, ông Hiếu thông tin.

Trung tướng Lương Tam Quang cũng khẳng định: "Những vi phạm là hiện tượng cá biệt trong lực lượng Công an nhân dân, quan điểm của bộ là xử lý nghiêm minh. Về nguyên tắc, chúng tôi sẽ không bao che bất cứ một vi phạm nào".

Trước đó, Đại tá Vũ Hồng Văn, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã ký 2 quyết định tạm đình chỉ công tác 2 tháng đối với Trung tá Phạm Hải Cảng, Trạm trưởng Trạm CSGT số 2 (trạm quốc lộ 20, xã Phú Túc, H.Định Quán, Đồng Nai), và Trung tá Phan Cẩm Tú, Đội phó Đội CSGT số 1 (thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt). Mục đích tạm đình chỉ để công tác xác minh diễn ra thuận lợi, đúng người, đúng việc, khách quan. Trong thời gian bị tạm đình chỉ, 2 CSGT này bị tạm điều về Phòng cảnh sát cơ động Công an tỉnh Đồng Nai (PK20).

Đề xuất lùi thời điểm áp dụng ghi âm, ghi hình khi hỏi cung

Liên quan đến đề án cơ sở vật chất, cán bộ và lộ trình thực hiện việc ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can được Thủ tướng phê duyệt thực hiện ngày 1/1/2020 trên phạm vi cả nước, ông Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục pháp chế, Bộ Công an - cho rằng đây là một chủ trương lớn, đòi hỏi nỗ lực của các bộ ngành, trong đó Bộ Công an được giao xây dựng đề án.

Bộ Công an đã thành lập ban nghiên cứu cũng như xây dựng Đề án và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng hình sự. Đề án được thực hiện với sự phối hợp của Bộ Quốc phòng, Viện KSND tối cao, Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn, Tòa án nhân dân . Để đề án có thể triển khai cần thời gian và nguồn kinh phí lớn, các phương tiện phải đảm bảo an toàn kỹ thuật. 

Bộ Công an đã tổ chức thí điểm tại 5 tỉnh thành phố là Bắc Giang, Công an TP Hà Nội, Công an TP HCM, cơ sở giam giữ của Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra với 45 buồng hỏi cung đủ tiêu chuẩn kỹ thuật. Hiện Bộ Công an quản lý 69 trại tạm giam, trong đó có nhiều buồng hỏi cung đảm bảo chuẩn. Từ trước đến nay ngành công an đã làm và đạt kết quả tốt. Tuy vậy, điều kiện thực tiễn vẫn cần có thêm thời gian chuẩn bị để triển khai đồng bộ.

Do đó, Bộ Công an sẽ báo cáo cấp thẩm quyền lùi thời hạn áp dụng vì cần xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật đảm bảo, tổ chức tập huấn cán bộ và có những yêu cầu đảm bảo kỹ thuật đòi hỏi nỗ lực lớn hơn.

Liên quan đến vụ Asanzo trước đó, điều tra ban đầu của cơ quan thuế xác định Asanzo trốn hơn 4 tỉ đồng tiền thuế. Trung tướng Lương Tam Quang - Thứ trưởng Bộ Công an - cho biết, Bộ Tài chính đã có cuộc họp chủ trì thống nhất kết luận theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xác định "có dấu hiệu sai phạm".

Nhưng để xác định là sai phạm hành chính hay sai phạm hình sự, cần xác minh làm rõ. Bộ Công an đang được giao xác minh các dấu hiệu vi phạm, nếu có đủ căn cứ xác định vi phạm quy định pháp luật sẽ khởi tố điều tra, không bỏ lọt bất cứ vấn đề nào. Bộ Công an sẽ thông tin khi có kết quả.

Mai Thoa