Sốc phản vệ: Hiểu đúng để xử trí hiệu quả

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:24, 26/12/2016

Sốc phản vệ là nỗi khiếp sợ không chỉ với bệnh nhân mà còn với các thầy thuốc, nhân viên y tế. Nếu không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong sẽ rất cao.

Mới đây, vụ hai bệnh nhân tử vong vì sốc phản vệ với thuốc gây mê tại Bệnh viện đa khoa Trí Đức đang làm dư luận chú ý. Tuy kết quả của vụ việc chưa được làm rõ nhưng nhiều người đặt câu hỏi: Sốc phản vệ là gì? Làm sao phòng tránh tình trạng nguy hiểm này khi đi khám chữa bệnh?

Sốc phản vệ là gì?

Theo thông tin từ Trung tâm Miễn dịch Dị ứng Lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai: Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và được coi là một cấp cứu y tế. Phản ứng đe dọa tính mạng này có thể xảy ra bất cứ khi nào trong vài giây đến vài phút sau khi tiếp xúc với các chất gây dị ứng. Tiếp xúc gây nên phản ứng từ hệ thống miễn dịch của bạn có thể dẫn đến sốc và thậm chí tử vong nếu không được điều trị ngay lập tức

Sốc phản vệ: Hiểu đúng để xử trí hiệu quả

Sốc phản vệ xảy ra rất sớm hoặc đôi khi muộn hơn vài giờ tiếp xúc với chất cơ thể dị ứng

Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây sốc phản vệ (thuốc, thức ăn, hóa chất, nọc côn trùng …) thuốc là nguyên nhân rất thường gặp. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê…

Tỷ lệ mắc sốc phản vệ châu Âu là 4-5 trường hợp/10.000 dân,ở Mỹ những năm gần đây là 58,9 trường hợp/100.000 dân. Ở Việt Nam tuy chưa có thống kê song sốc phản vệ do thuốc vẫn xảy ra thường xuyên, gặp ở mọi nơi, các bệnh viện và cơ sở y tế .. nhiều trường hợp đã tử vong.

Nhận biết sốc phản vệ

Cần nghi ngờ xảy ra sốc phản vệ khi bệnh nhân sau tiếp xúc với một tác nhân lạ đột ngột cảm thấy khó chịu, ớn lạnh, hoảng hốt, lo sợ, sau đó nhanh chóng xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc (như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…), ở hệ hô hấp (như khó thở, thở rít), ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp).

Các triệu chứng ở da, niêm mạc có thể không đe dọa tính mạng người bệnh nhưng là những dấu hiệu có giá trị gợi ý giúp phát hiện sớm sốc phản vệ. Cần lưu ý là có khoảng 20% các trường hợp sốc phản vệ không có các biểu hiện ở da, niêm mạc, một số khác lại biểu hiện khởi đầu với các triệu chứng ở hệ tuần hoàn như tụt huyết áp.

Xử trí sốc phản vệ

Adrenaline là thuốc quan trọng nhất trong điều trị cấp cứu sốc phản vệ và cần có sẵn ở tất cả những nơi có thể xảy ra sốc phản vệ.

Sốc phản vệ: Hiểu đúng để xử trí hiệu quả

Cấp cứu sốc phản vệ tại bệnh viện Bạch Mai

Phác đồ điều trị cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào trình độ và kỹ năng của thầy thuốc cũng như điều kiện trang thiết bị, tuy nhiên, adrenaline tiêm bắp vẫn là liệu pháp điều trị căn bản và có tính chất cứu mạng người bệnh đối với dạng phản ứng nguy hiểm này.

Vì lý do đó, adrenaline cần phải được chuẩn bị trước ở tất cả những tình huống có nguy cơ xảy ra sốc phản vệ như tiêm truyền thuốc, truyền dịch, gây tê gây mê, tiếp xúc với ong...

Về cơ chế, adrenaline tác động trên các thụ thể thần kinh giao cảm giúp giải quyết hầu hết các triệu chứng của sốc phản vệ, ví dụ như thuốc có tác dụng co mạch (giúp tăng huyết áp, giảm phù nề, ban đỏ), giãn cơ trơn phế quản, tăng sức co bóp cơ tim...

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dùng adrenaline trong điều trị sốc phản vệ càng sớm thì hiệu quả càng cao, hầu hết các trường hợp cấp cứu sốc phản vệ thất bại là do chậm dùng adrenaline.

Những bệnh nhân có cơ địa dị ứng hoặc có tiền sử đã bị sốc phản vệ phải được tư vấn và hướng dẫn để có thể nhận biết được các dấu hiệu sớm của sốc phản vệ và có những biện pháp can thiệp kịp thời.  

Thảo Nguyên