Hà Nội: Lợi dụng dịch Zika, mạo danh cán bộ y tế bán thuốc không rõ nguồn gốc
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:14, 18/12/2016
Ghi hóa đơn, thu tiền thuốc phòng zika
Trước tình hình dịch bệnh do virus Zika tiếp tục diễn biến phức tạp, Bộ Y tế ban hành Chỉ thị đến các giám đốc sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đơn vị thuộc Bộ Y tế tăng cường phòng chống dịch bệnh. Sở Y tế Hà Nội cũng đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh do virus Zika.
Tuy nhiên, giữa lúc ngành y tế đang nỗ lực cùng người dân phòng chống dịch bệnh Zika thì không ít kẻ đã lợi dụng sự lo lắng của người dân, mạo danh y tế dự phòng cũng như uy tín doanh nghiệp để trục lợi cá nhân khi vào mùa dịch bệnh.
Vào ngày 10/12, chị P.T.H (23 tuổi, Từ Liêm, Hà Nội) đang ở trong nhà thì có một phụ nữ ăn mặc chỉn chu đến gõ cửa thông báo ở bên phòng chống dịch bệnh Zika. Sau đó, người phụ nữ đã đưa cho chị P.T.H 2 gói thuốc có tên Alakado 10 sc với lời giới thiệu sản phẩm đã được Bộ Y tế chứng nhận, tổ chức y tế thế giới WHO khuyên dùng. Đồng thời, thông báo chiều nay sẽ có người bên phòng dịch đến phun thuốc diệt muỗi cho gia đình.
Hóa đơn bán thuốc diệt muỗi Alakado 10 sc có mã số thuế của Công ty TNHH Hưng Thành Phát Việt Nam - Ảnh: NVCC
“Đang lúc dịch bệnh do virus Zika bùng phát lại có người thông báo phun thuốc phòng dịch là mừng lắm nên đồng ý ngay. Riêng hai gói thuốc Alaka do 10sc họ hướng dẫn chích 4 lỗ nhỏ và để dưới góc giường, gậm tủ để chiều cán bộ tới phun thuốc”, chị P.T.H thuật lại với PV:
Cũng theo lời chị P.T.H, Sau khi đưa thuốc cho chị, người phụ nữ viết hóa đơn và yêu cầu thu 40.000 đồng cho 2 gói thuốc Alaka do 10sc. Trên hóa đơn có đóng dấu đỏ mã số thuế của Công ty TNHH Hưng Thành Phát Việt Nam, địa chỉ Cụm dân cư Đức Diễn, Phường Phúc Diễn, Quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội với mã số thuế 0106511533.
Trước đó, trong đợt dịch bệnh sốt xuất huyết, cũng có hai đối tượng là phụ nữ, ăn mặc có vẻ giống cán bộ, gõ của phòng và vào tận giường chị N.T.N (25 tuổi, Phú Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.) để thông báo tiêm phòng cho trẻ và phun thuốc diệt muỗi. Chị N.T.N cho biết, hai người này nói mình bên y tế của phường và đến thông báo về tiêm phòng cho cháu. Do cách ăn mặc đến lối nói chuyện của họ thể hiện rất chuyên nghiệp nên chị N.T.N không mảy may nghi ngờ.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Vĩnh Thân cho biết thuốc Alaka do 10sc có khả năng lớn là sản phẩm trôi nổi - Ảnh: NVCC
Chị N.T.N cho biết: “Vì nhà có con nhỏ nên chỉ cần nhắc đến dịch bệnh là lo loạn hết cả lên. Người ta còn nói tiêm phòng miễn phí nữa nên lúc đó rất tin tưởng. Sau đó, họ có đưa 3 gói thuốc có tên là Alaka do 10sc và nói thuốc này giá tiền triệu nay được giảm giá 50%. Hôm ấy, mình không có nhiều tiền trong người nên đưa tạm họ 150 nghìn đồng. Họ viết hóa đơn ghi nợ và hẹn chiều quay lại phun thuốc diệt muỗi rồi thu nốt. Đến khi họ đi rồi mới tá hỏa lên vì biết mình bị lừa”.
Nếu chị N.T.N bị lợi dụng vì là nhà có trẻ con trong khu trọ thì nhà ông N.V.L lại bị lừa phun thuốc diệt muỗi vì nhà chỉ có vợ và em gái bị tật bẩm sinh ở nhà. Ông N.V.L nguyên là bác sĩ của một bệnh viện nổi tiếng ở Hà Nội nhưng ông thường xuyên đến phòng khám làm việc. Do đó, khi hay tin vợ ở nhà bị lừa 800 nghìn đồng vì phun thuốc diệt muỗi ông rất bức xúc.
Theo lời ông N.V.L kể lại trường hợp vợ ông bị lừa: “Hôm đó, trong lúc tôi đang ở phòng khám thì ở nhà có hai người mang bình thuốc vào nhà nói phun thuốc diệt muỗi phòng dịch. Do họ không đề cập đến tiền bạc, chỉ bảo phun thuốc nên vợ tôi đồng ý ngay. Tuy nhiên, lúc phun xong họ tính tiền thuốc, tiền công bằng tiền triệu gia đình mới ngã ngửa. Đến lúc đó sự đã rồi nên gia đình đành cắn răng trả tiền”.
Không tự phun thuốc khi có dịch
Trao đổi với PV Báo điện tử Công lý, ông Nguyễn Đức Biên, Tổ trưởng Tổ dân phố 1, phường Phú Diễn (Hà Nội) cho biết: “Đối với những trường hợp tìm đến bán thuốc, phun thuốc diệt muỗi cho người dân đều hoạt động lén lút, không thông qua phường, tổ dân phố. Họ chủ động tìm những đối tượng như sinh viên, nhà có con nhỏ để lừa bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Trong trường hợp này người dân cần cẩn thận, tỉnh táo và chỉ nên tiếp xúc, làm việc khi có người của tổ dân phố, cán bộ phường đi cùng”.
Liên quan đến hóa đơn có mã số thuế của công ty cũng như sản phẩm thuốc diệt muỗi Alaka do 10sc, PV đã tìm gặp ông Trần Đình Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thành Phát thì được ông cho hay: “Công ty Hưng Thành Phát không sản xuất và phân phối sản phẩm thuốc diệt muỗi Alaka do 10sc. Tất cả sản phẩm của công ty đều có thông tin về sản phẩm, địa chỉ, số điện thoại liên hệ. Bên công ty cũng không áp dụng hình thức kinh doanh gõ cửa từng nhà, lấy chuyện phun thuốc phòng dịch miễn phí để bán sản phẩm”.
Ông Hoàn cho biết thêm, về hóa đơn có dấu mã số thuế của công ty đối với sản phẩm thuốc diệt muỗi Alaka do 10sc không có giá trị pháp lý. Mặt khác, công ty TNHH Hưng Thành Phát sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng do Tổng Cục thuế phát hành và có con dấu, chữ ký của Giám đốc xác nhận rõ ràng.
Trước những hình ảnh sản phẩm thuốc diệt muỗi Alaka 10sc do người dân phản ánh được PV cũng cấp, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Vĩnh Thân, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, ông chưa từng nhìn thấy sản phẩm này, nhiều khả năng đây là sản phẩm trôi nổi trên thị trường.
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Vĩnh Thân, Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - Ảnh: Hữu Lan
Theo ông Thân, hóa chất diệt côn trùng có nhiều loại và chỉ nên dùng những sản phẩm có trong danh mục được Bộ Y tế hướng dẫn. Ngoài ra, không có phương pháp nào phòng chống dịch bệnh, chống muỗi bằng cách chích gói thuốc 4 góc và để dưới gầm giường, tủ quần áo. Mặt khác, không có hóa chất nào an toàn tuyệt đối, nên nếu người dân sử dụng sai rất nguy hiểm.
Phó trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cũng khẳng định: Các hoạt động liên quan đến phòng chống dịch không thu tiền của người dân và ngành y tế không khuyến khích người dân tự phun thuốc, chỉ phun thuốc khi có chỉ định của Bộ Y tế.
Đồng thời, Thạc sĩ, bác sĩ Đào Vĩnh Thân cũng khuyến cáo: Nếu người bệnh có biểu hiện phát ban, đặc biệt là ở phụ nữ có thai cần phải đến ngay các trạm y tế, phòng khám để thông báo để cán bộ y tế kịp thời kiểm tra và xử lý. Khi ngành y tế xác định ổ dịch, vùng dịch nguy cơ cao cần có biện pháp chống dịch thì sự hợp tác của người dân đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh.