Cảnh báo vô sinh do biến chứng quai bị

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:44, 16/12/2016

Trong các trường hợp vô sinh ở nam giới, có một số đối tượng bị biến chứng teo tinh hoàn do mắc bệnh quai bị trong thời gian còn trẻ.

Theo Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mùa đông xuân là mùa bệnh quai bị xuất hiện nhiều nhất. Quai bị do virus paramyxovirus gây nên. Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên.

Cảnh báo vô sinh do biến chứng quai bị

Biểu hiện thường gặp của bệnh quai bị là sưng tuyến mang tai

Biến chứng vô sinh tăng báo động

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương thời gian vừa qua cũng ghi nhận các ca nam giới bị viêm tinh hoàn do quai bị. Đây là hiện tượng khá bất thường so với các năm trước, do bệnh này thường ghi nhận rải rác vào thời điểm các tháng đầu năm, thời tiết nồm ẩm mùa đông - xuân. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, ở trẻ nhỏ (trước tuổi dậy thì) quai bị là bệnh khá lành tính, có thể tự khỏi sau 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, ở lứa tuổi lớn hơn và người lớn mắc quai bị có nguy cơ bị biến chứng cao hơn, trong đó lo ngại nhất là viêm tinh hoàn ở nam giới.

Thông tin từ bác sĩ Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết gần đây thường xuyên tiếp nhận các trường hợp nam giới đến khám và điều trị hiếm muộn, vô sinh do tai biến của bệnh quai bị. “Bệnh nhân đến khám có biểu hiện teo tinh hoàn, giảm thể tích tinh hoàn (chỉ còn 10-14 ml, so với thể tích trung bình cần đạt 20-25 ml). Một số trường hợp tinh hoàn teo rất nhỏ, chỉ còn dưới 10 ml, giống như tinh hoàn của bé trai”.

Cảnh báo vô sinh do biến chứng quai bị

Nhiều trường hợp vô sinh do mắc quai bị

Theo bác sĩ Lợi, các trường hợp này mắc bệnh quai bị do chưa từng tiêm phòng bệnh, chưa có miễn dịch với bệnh. Bệnh nhân đến khám từng mắc quai bị trong vòng 1 - 2 tháng gần đây nhưng cũng có những trường hợp mắc từ khi nhỏ.

Nói về căn bệnh quai bị, Cục Y tế Dự phòng cho biết, bệnh thường gây dịch vào mùa Đông - Xuân. Bệnh dễ gặp ở lứa tuổi học đường và hay bùng phát thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên, đặc biệt trong các trường mẫu giáo, trường học, đơn vị tân binh… Biểu hiện chính của bệnh ban đầu là sốt nhẹ, nhức đầu, mệt mỏi, mất cảm giác ngon miệng, sau đó sốt tăng dần lên đến 39,5°C - 40°C, các tuyến mang tai gần tai bắt đầu sưng lên và đau…

Chủ động phòng ngừa quai bị

Để phòng bệnh quai bị, theo khuyến cáo của các bác sĩ tốt nhất là nên tiêm phòng vắc-xin. Thực tế vắc-xin quai bị thường được sản xuất kết hợp với vắc-xin phòng bệnh sởi và bệnh rubella. Có hai loại vắc-xin phối hợp phòng bệnh sởi, quai bị, rubella được sử dụng phổ biến là vắc-xin MMR II, vắc-xin Trimovax; chúng đều có tác dụng bảo vệ trên 10 năm và 11 năm. Việc sử dụng các loại vắc-xin này phải được bác sĩ chuyên khoa chỉ định, tư vấn và hướng dẫn.

Khi khảo sát các đối tượng nam giới vô sinh, một số trường hợp ghi nhận có tiền sử bị mắc bệnh quai bị hồi còn trẻ dẫn đến biến chứng viêm tinh hoàn được cha mẹ hoặc người nhà cung cấp mới rõ nguyên nhân. Vì vậy, cần quan tâm việc tiêm phòng vắc-xin quai bị cho trẻ em để chủ động ngăn ngừa hậu quả vô sinh sau này do biến chứng của bệnh gây nên.

Cảnh báo vô sinh do biến chứng quai bị

Tiêm vắc-xin là biện pháp tốt nhất phòng bệnh quai bị.

Dấu hiệu nhận biết quai bị:

- Khi bị nhiễm virus quai bị, phần lớn bệnh nhân thấy khó chịu từ 1 – 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện.

- Bệnh nhân bị sốt cao (39 – 40 độ C) trong 3 – 4 ngày.

- Chảy nước bọt, sưng vùng mang tai, dấu hiệu dễ nhận biết nhất là má sưng to, có thể sưng một bên mặt rồi lan sang bên kia hoặc sưng hai bên cùng một lúc.

Tuy nhiên, có khoảng 25% người bị nhiễm virus quai bị mà không có triệu chứng bệnh lý, đây là những đối tượng có khả năng truyền bệnh mà người xung quanh không biết.

Bệnh thường tự khỏi sau 1 tuần đến 10 ngày. Sau đó, bệnh nhân được miễn dịch suốt đời.

 

Thảo Nguyên