TP.HCM: Khẩn trương đối phó Zika, lo dập quai bị

Sức khỏe - Ngày đăng : 15:20, 14/12/2016

Trong khi số ca nhiễm Zika đang tăng dồn dập, thì ngành y tế TPHCM lại phải đối mặt với việc bệnh quai bị dễ bùng phát thành dịch nếu không sớm có biện pháp phòng tránh hữu hiệu.

Thông tin từ Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM ngày 13/12 cho hay, tính đến hết ngày 12/12, trên địa bàn thành phố có 119 trường hợp nhiễm vi rút Zika. Hiện 22/24 quận huyện có người mắc bệnh, thành phố chỉ còn sót lại 2 quận chưa xuất hiện ca bệnh là quận 8 và quận 11.

TP.HCM: Khẩn trương đối phó Zika, lo dập quai bị

Số ca nhiễm mới tiếp tục tăng nhanh

Ngành y tế cảnh báo, trong điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho loài muỗi Aedes sinh sôi phát triển, nguy cơ dịch Zika sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới rất khó tránh khỏi.

Dù chưa có khuyến cáo về việc hạn chế đi đến những nơi có ca bệnh song ngành y tế kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là thai phụ cần chủ động phòng tránh muỗi đốt; mọi người, mọi nhà tăng cường diệt muỗi, diệt lăng quăng để phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do vi rút Zika.

Tuy nhiên, chưa hết nỗi lo về bệnh do virus Zika, y tế dự phòng TPHCM lại phải phân chia lực lượng để điều tra dịch tễ và xử lý ổ bệnh quai bị có nguy cơ lây lan tại trường tiểu học Tân Xuân ở ấp Mỹ Hòa, xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn.

Trước đó, ngày 29/11 trạm Y tế Xuân Thới Đông phát hiện đã có 11 học sinh tại lớp 3E được chẩn đoán mắc bệnh quai bị. Từ ngày 30/11/2016, tiếp tục phát hiện thêm các ca bệnh mới tại các lớp khác. Đến thời điểm hiện tại số ca mắc bệnh quai bị là 25 học sinh, phân bố tại 5 lớp học, trong đó đa số tập trung tại các lớp bán trú của trường.

TP.HCM: Khẩn trương đối phó Zika, lo dập quai bị

Hiện trường tiểu học Tân Xuân đã tiến hành khử khuẩn hàng ngày để khống chế ổ dịch quai bị.

Ngày 13/12, sau khi nhận được thông tin về ổ dịch quai bị tại trường tiểu học Tân Xuân, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Y tế dự phòng Huyện đã có buổi làm việc tại trường học.

Sau buổi làm vệc cùng ban giám hiệu nhà trường và nhân viên y tế học đường, Trung tâm Y tế dự phòng Thành phố đã hướng dẫn nhà trường theo dõi, xử lý nhằm khống chế không để ổ dịch lan rộng, với một số các biện pháp cụ thể như: Đẩy mạnh rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày đối với cả nhân viên trường học và học sinh, đồng thời khử khuẩn hàng ngày tại các lớp có ca bệnh, giặt sạch và phơi nắng chăn màn của các lớp học bán trú, vệ sinh ăn uống, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng, nơi sinh hoạt hàng ngày của học sinh, bếp ăn tập thể bằng nước sạch và xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường (Javel).

TP.HCM: Khẩn trương đối phó Zika, lo dập quai bị

Tiêm vaccine là một trong các biện pháp tốt nhất để phòng tránh bệnh truyền nhiễm 

Bệnh quai bị (còn được gọi là bệnh viêm tuyến mang tai dịch tễ hay viêm tuyến mang tai do virus quai bị) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây trực tiếp bằng đường hô hấp, hay gây thành dịch trong trẻ em, thanh thiếu niên do virus quai bị gây nên. Biểu hiện lâm sàng phổ biến nhất là viêm tuyến nước bọt mang tai không hóa mủ. Là một bệnh truyền nhiễm, thường xảy ra vào mùa đông - xuân. Lây trực tiếp khi gần bệnh nhân nói, ho hoặc hắt hơi.

Bệnh quai bị có thể để lại những biến chứng nguy hiểm như viêm tinh hoàn ở nam giới, viêm buồng trứng ở nữ giới, có thể dẫn tới vô sinh. Phụ nữ mang thai mắc quai bị có nguy cơ sảy thai, dị dạng thai nhi, sinh non...

Sơn Anh