Sẽ cắt lương, thưởng bác sĩ lạm dụng kháng sinh
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:52, 30/11/2016
Bộ Y tế cho biết, đã ban hành gần 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị các loại bệnh, thầy thuốc sẽ căn cứ vào đó để kê đơn. Tuy nhiên, có tình trạng bác sĩ kê lạm dụng kháng sinh để điều trị. Bộ Y tế sẽ đưa ra quy định: Bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ bị cắt lương, thưởng; thậm chí xem xét lại chứng chỉ hành nghề.
Lạm dụng thuốc kháng sinh không những khiến bệnh lâu khỏi mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe
Người dân tự ý sử dụng kháng sinh
Bác sĩ Lokky Wai - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam - cho rằng, trong vài chục năm nữa, khi các phương pháp điều trị như hóa trị bệnh ung thư và phẫu thuật đơn giản sẽ không thể thực hiện được do phụ thuộc vào thuốc kháng sinh để bảo vệ bệnh nhân chống nhiễm trùng. Trong tương lai khi kháng sinh không còn tác dụng thì triệu chứng ho hay một vết cắt cũng có thể gây tử vong. Kháng thuốc kháng sinh không chỉ đe dọa đến sức khỏe, tính mạng của người Việt Nam, môi trường cũng như tính bền vững của hệ thống sản xuất thực phẩm.
Th.S Cao Hưng Thái - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) - cho biết tình trạng kháng kháng sinh ở Việt Nam hiện nay hết sức trầm trọng, hầu hết các chủng vi khuẩn đã kháng với kháng sinh, có nhiều vi khuẩn hiện nay đã kháng với nhiều loại kháng sinh. Có những chủng vi khuẩn đã xuất hiện biến đổi gene và kháng với tất cả các loại kháng sinh.
Ông Thái cho biết: “Hiện nay, tỉ lệ sử dụng thuốc kháng sinh ở Việt Nam rất cao, trong các cơ sở khám bệnh 50% chi phí khám chữa bệnh dành cho tiền thuốc điều trị, trong đó thuốc kháng sinh chiếm tới 33%. Mua kháng sinh dễ như mua mớ rau ngoài chợ, người bán thuốc thì bán kháng sinh không cần đơn, thậm chí còn khuyên người dân mua loại kháng sinh nặng hơn”.
Theo một nghiên cứu của Bộ Y tế, việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh của người dân ở thành thị là 88%, trong khi ở nông thôn lên tới 91%. Ông Thái cũng thông tin thêm, không phải bệnh viện tuyến trung ương sử dụng thuốc kháng sinh nhiều hơn các bệnh viện địa phương. Mà ngược lại, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tỉ lệ sử dụng kháng sinh ở các bệnh viện tuyến trung ương chỉ chiếm gần 30% chi phí điều trị, trong khi các bệnh viện tuyến tỉnh là 35%, tuyến huyện là 45%.
Lý giải cho hiện tượng này, đại diện Bộ Y tế cho biết, việc sử dụng kháng sinh quá nhiều bên cạnh nhận thức của người dân chưa đầy đủ, trong đó có cả những y, bác sĩ dẫn tới việc lạm dụng trong sử dụng, kê đơn không đúng trong điều trị bệnh, việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi sản xuất thực phẩm thiếu kiểm soát.
Về ngành y tế - cơ quan quản lý trực tiếp việc sử dụng kháng sinh trong điều trị bệnh, có các cơ sở không có đủ các trang bị cần thiết như máy định danh vi khuẩn, không có điều kiện làm kháng sinh đồ, để kê đơn điều trị đúng; trình độ chuyên môn của thầy thuốc…
Bà Socorro Escalate - Trưởng nhóm Phát triển Hệ thống y tế Văn phòng WHO tại Việt Nam - cho biết, tình trạng sử dụng kháng sinh của Việt Nam đứng ở mức cao, người dân có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần kê đơn, bác sĩ kê hơn 2 thuốc kháng sinh trong 1 đơn thuốc.
Cắt lương, thưởng của bác sĩ lạm dụng kháng sinh
Mặc dù việc giám sát sử dụng kháng sinh trong trên 1.000 bệnh viện trung ương và tuyến tỉnh, huyện đã và đang được làm rất chặt chẽ, nhưng với hơn 30.000 cơ sở khám chữa bệnh, phòng khám tư nhân, rất khó có thể kiểm soát việc sử dụng kháng sinh ở những cơ sở khám chữa bệnh tư nhân.
Theo Phó Cục trưởng Cục Khám - Chữa bệnh (Bộ Y tế): Hiện nay Bộ Y tế đã ban hành nhiều chế tài xử phạt với các hành vi dùng thuốc kháng sinh không đúng như cấm các dược sĩ không được bán thuốc kháng sinh cho người dân khi không có đơn của bác sĩ. Tuy nhiên do mức xử phạt rất nhẹ, nên không đủ sức răn đe.
“Đối với các cơ sở y tế và bác sĩ trực tiếp kê đơn, Bộ Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế tuân thủ đúng hướng dẫn chẩn đoán và điều trị. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã ban hành gần 700 hướng dẫn chẩn đoán điều trị các loại bệnh, thầy thuốc sẽ căn cứ vào đó để kê đơn. Trong tương lai, nếu bác sĩ kê thuốc không đúng như hướng dẫn chẩn đoán thì sẽ bị cắt lương, thưởng. Thậm chí xem xét lại chứng chỉ hành nghề”- ông Thái nhấn mạnh.
Bộ Y tế cũng đang thiết lập hệ thống giám sát kháng thuốc, hiện chỉ có 16 đơn vị làm công việc này, đến năm 2020 phải xây dựng được từ 30 - 32 đơn vị hệ thống giám sát quốc gia.