Bỏng do nổ trạm biến áp, xử trí thế nào cho đúng?
Sức khỏe - Ngày đăng : 15:48, 18/11/2016
Chiều ngày 17/11, tại phố Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Đông – Hà Nội) đã xảy ra vụ nổ bốt điện. Vụ nổ đã làm 5 người bị thương do bỏng, trong đó có 3 người bị thương nặng.
Sau khi nổ trạm biến áp, một người đàn ông ngồi ở quán trà đá bên cạnh bị lửa bén làm cháy quần áo, trượt toàn bộ da. Trong trường hợp này, cách sơ cứu nào là hiệu quả nhất?
Dân gian lưu truyền nhiều cách để sơ cứu bỏng như dội nước lạnh lên người bị bỏng, sử dụng kem đánh răng, mỡ... bôi lên vết bỏng. Tuy nhiên, cách sơ cứu này là nguyên nhân của nhiều ca nhiễm trùng.
Trong trường hợp này, người dân bị bỏng lửa không nguy hiểm tính mạng, để lại di chứng nặng như bỏng điện. Chia sẻ với báo chí về nguyên tắc sơ cứu bỏng do cháy bốt điện - trạm biến áp, PGS.TS Lê Năm – nguyên GĐ Viện Bỏng quốc gia khuyến cáo cách nhanh và hiệu quả nhất là dùng nước sạch dội ngay lên vết thương. Trong trường hợp cấp bách, có thể tạm thời sử dụng các nguồn nước khác nhau để sơ cứu cho nạn nhân. Sau đó, người dân phải tìm nguồn nước sạch để rửa sạch vết thương cho họ. Đồng thời, lưu ý tuyệt đối không dùng các biện pháp dân gian như nước mắm, kem đánh răng, mỡ... bôi lên vết bỏng.
Nạn nhân được người dân dội nước làm mát. Ảnh: Cắp từ clip.
“Với các phản ứng cháy trên cơ thể, lúc này nhiệt độ sẽ từ 60-80 độ C. Việc dùng nước ngay lập tức dội lên sẽ có tác dụng hạ nhiệt giúp vết thương đỡ sâu hơn. Bỏng nông dễ điều trị hồi phục hơn. Việc này phải được thực hiện sớm khi gặp nạn. Nếu để lâu, việc sơ cứu này không còn tác dụng”, PGS Lê Năm khuyến cáo.
Theo chuyên gia điện của Đại học Bách Khoa Hà Nội, trạm biến áp nhất thiết phải có khoảng cách an toàn với khu vực sinh hoạt. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều người dân không để ý đến điều này. Thậm chí, các hộ dân đã tận dụng diện tích ngay dưới chân trạm biến áp làm nơi đặt bếp nấu ăn, bắc lò than đun nước để bán trà đá bất chấp nguy hiểm. Sự việc đã cảnh báo mạnh mẽ đối với người dân chủ quan khi sinh hoạt bên cạnh các bốt điện - trạm biến áp.
Ngoài ra, khi xử trí bỏng lửa người dân cần lưu ý:
Dùng nước hoặc cát để dập tắt lửa, hoặc có thể dùng áo khoác, chǎn càng dày càng tốt, vải bọc kín chỗ đang cháy để dập lửa (không dùng vải nhựa, ni lông để dập lửa). Cởi (xé, cắt) nhẹ nhàng bỏ phần quần áo đang mặc trên người nạn nhân (tránh tình trạng mạnh bạo trong động tác có thể là trầy xước và loét, tổn thương sâu những vùng da bị cháy.
Không ủ kín bệnh nhân mà nên che đậy vùng bỏng chắc chắn rồi đổ nước lạnh lên. Nếu bỏng khắp người thì là ướt cả toàn thân liên tục nhưng cố gắng không làm nước chảy mạnh.
Tháo bỏ những vật cứng trên vùng bỏng như giầy, ủng, vòng nhẫn trước khi vết bỏng sưng nề. Không trực tiếp sờ mó hoặc dùng thủ thuật gì váo vết bỏng. Tiến hành che phủ vùng bỏng bằng gạc, vải vô khuẩn nếu có hoặc bằng gạc hoặc vải sạch để tránh nhiễm trùng tại vị trí tổn thương.
Sau đó, ngay lập tức đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế gần nhất (trong tư thế nằm) để tiếp tục sơ cứu phòng chống sốc.( Cho nạn nhân uống nhiều nước trên đường đi cấp cứu).