Người "mẹ" của những trái tim lỗi nhịp
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:24, 08/11/2016
Hơn 10 bệnh nhi được mổ miễn phí
Có mặt ở Khoa Tim mạch nhi, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến nụ cười giòn tan của các bệnh nhân nhí trong vòng tay bác sĩ. Tuy ở bệnh viện nhưng các em cùng nhau học chữ, vẽ tranh như đang trên trường, lớp bên bè bạn. Với PGS.TS Trương Thanh Hương những ánh mắt, vòng tay ôm của trẻ thơ vừa là động lực, vừa là trách nhiệm thôi thúc cô trăn trở phải làm thế nào để những trái tim nhỏ không còn lỗi nhịp.
Theo số liệu thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 16.000 đến 20.000 trẻ sinh ra bị mắc bệnh tim bẩm sinh, trong đó 70% bệnh tim bẩm sinh không phức tạp có thể chữa trị triệt để nhưng có tới 60% trẻ thuộc hộ nghèo và cận nghèo, ít có điều kiện phẫu thuật và điều trị. Đây cũng là lý do mà PGS.TS Trương Thanh Hương cùng tập thể bác sĩ Khoa Tim mạch nhi đã và đang tổ chức các đợt khám sàng lọc, phát hiện bệnh nhân ở cơ sở, chủ động liên hệ với nhà tài trợ giúp đỡ những trường hợp khó khăn.
Bác sĩ Trương Thanh Hương bên các bệnh nhân nhí
Tính đến nay, Khoa Tim mạch nhi và PGS.TS Trương Thanh Hương đã liên hệ giúp đỡ hơn 10 trường hợp bệnh nhi nghèo được mổ tim miễn phí. Điều dưỡng trưởng Nguyễn Thị Thu Phương kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về một bệnh nhi nhập viện gấp trong đêm 29 Tết. Đó là bệnh nhi Bùi Thị Bích Phượng, 8 tuổi quê ở Nam Định. Phượng nhập viện trong tình trạng nguy kịch, có thể tử vong bất cứ lúc nào. Sau khi hội chẩn, bác sĩ kết luận em bị rối loạn nhịp phức tạp cần phẫu thuật đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn kịp thời.
PGS.TS Trương Thanh Hương và các y, bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cho em mặc dù gia đình bệnh nhân không có khả năng chi trả viện phí. Sau Tết, đội ngũ thầy thuốc Khoa Tim mạch nhi đã liên hệ với các nhà hảo tâm hỗ trợ viện phí giúp Phượng.
Hay như trường hợp bệnh nhân Thào Pa Lìn, 14 tuổi, dân tộc H’mông ở tỉnh Lào Cai bị thông liên thất bẩm sinh. Năm nay Lìn 14 tuổi nhưng thể trạng chỉ như đứa trẻ 8 tuổi. Sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em nên khi biết bệnh của con bố mẹ em không khỏi hốt hoảng. Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình em Thào Pa Lìn, PGS.TS Trương Thanh Hương đã chủ động liên hệ, kết nối với các nhà tài trợ để giúp em có cơ hội được phẫu thuật. Hiện nay, Thào Pa Lìn đã khỏi bệnh và trở về đi học bình thường.
Gần đây nhất, bệnh nhân Giàng A Phềnh (16 tuổi, quê Thanh Hóa) đã được phẫu thuật miễn phí sửa chữa toàn bộ Fallot 4. Được biết, hoàn cảnh gia đình em đặc biệt khó khăn, lại mồ côi mẹ từ bé. Trong các buổi lên lớp nơi nẻo cao, em thường xuyên bị ngất, tím tái mặt môi. Thương trò, thầy giáo Phạm Văn Đô, Trường THPT Mường Lát “quyết tâm” đưa em xuống thủ đô để khám bệnh. Thầy Đô chia sẻ: “Lúc đầu, thầy chỉ mong mình biết bệnh của trò chứ không hi vọng Phềnh được chữa khỏi. Đến nay, thầy trò và người dân nghèo quê Giàng A Phềnh vẫn còn kể lại câu chuyện em được các y bác sĩ, nhà hảo tâm giúp đỡ chữa bệnh như một điều kì diệu”.
Người truyền lửa
Khi được hỏi cơ duyên đối với chiếc áo blouse trắng, PGS.TS Trương Thanh Hương cười hiền rằng nó có từ khi cô bằng độ tuổi bệnh nhân nhí của mình hiện tại. Hình ảnh hai bác sĩ quân y thuộc đơn vị bố đã chăm sóc, điều trị bệnh cho mình trong cơn sốt cao khiến một đứa trẻ như cô lúc bấy giờ nhớ mãi. Từ việc bản thân mình được yêu thương, cô mong muốn được trở thành bác sĩ trong tương lai để trao gửi yêu thương.
Thời gian mà bác sĩ Hương giành cho bệnh nhân chiếm tối đa trong quỹ thời gian của mình. Trong một ngày, suy nghĩ đầu tiên khi thức dậy hay cuối cùng lúc đi ngủ đều hướng về những bệnh nhân. Là một bác sĩ, hơn ai hết PGS.TS Trương Thanh Hương thấu rõ niềm tin, hi vọng mà người bệnh, gia đình họ gửi gắm, đặt cược nơi mình.
Bác sĩ Trương Thanh Hương cùng các học trò trong một lần khám bệnh ở vùng cao
Bởi vậy, khi người bác sĩ nhận chữa trị, chăm sóc cho một bệnh nhân là không ngừng lo lắng, suy nghĩ thậm chí suy nghĩ liên tục để tìm mọi cách chẩn đoán, điều trị “đào tận gốc, trốc tận rễ” nguồn cơn bệnh. Với trường hợp bệnh nặng, bác sĩ Hương trao đổi chuyên môn với đồng nghiệp hoặc viết thư gửi các thầy giáo ở quốc tế để nhờ sự giúp đỡ.
Trong cuộc trò chuyện của mình, PGS.TS Trương Thanh Hương nói nhiều về bệnh nhân và những người học trò. Nhìn thấy bệnh nhân khỏe mạnh và học trò ngày càng vững vàng là niềm vui lớn nhất của cô. Bởi thế, trong các chuyến đi khám bệnh miễn phí cho người dân ở các tỉnh Thanh Hóa, Hòa Bình, Đắk Lắk… cô luôn đưa học trò đi cùng để bồi đắp tình thương yêu, sự cảm thông sâu sắc với người bệnh. Là một nhà giáo, cô luôn tìm cách truyền cảm hứng, đem lại sự hăng say nghiên cứu cũng như rèn luyện kỹ năng sống cho các bác sĩ trẻ để bệnh nhân yên tâm chia sẻ. Đặc biệt, nhiều học trò của cô biết tiếng tiếng đồng bào dân tộc thiểu số nên việc trao đổi, chia sẻ giữa bệnh nhân và bác sĩ gần gũi hơn. “Người bác sĩ càng hiểu rõ bệnh nhân thì càng giúp đỡ được họ, đôi khi chỉ là kịp thời tư vấn giúp người bệnh yên tâm chữa trị” – bác sĩ Khoa Tim mạch nhi, Nguyễn Ngọc Thanh chia sẻ.
Cách rèn học trò của PGS.TS Trương Thanh Hương cũng đặc biệt. Cô dạy học trò bằng chính cách ứng xử của bản thân trong những lần đi buồng, xuống cơ sở hay đơn giản là lắng nghe bệnh nhân tâm sự, chia sẻ. Nhiều học trò đã trưởng thành, đang công tác tại các tuyến bệnh viện là những hạt giống tốt được ươm và nảy mầm như các bác sĩ Nguyễn Văn Vân (Quãng Ngãi), Nguyễn Văn Dũng (Hà Tĩnh), Hà Thị Diễm (Cần Thơ) …