Cô gái bị liệt vì hít bóng cười là thông tin không chính xác

Sức khỏe - Ngày đăng : 21:41, 27/10/2016

Chiều 27/10, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, thông tin cô gái bị liệt vì hít bóng cười là không chính xác.

Trong mấy ngày gần đây trên các trang mạng xã hội lan truyền thông tin một cô gái sinh năm 1994, ở Hà Nội phải nhập viện cấp cứu ở khoa Thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai vì hít bóng cười ở một quán bar trên địa bàn Hà Nội.

Được biết, khi nhập viện cô gái có biểu hiện choáng váng, buồn nôn, tay chân co giật… Chỉ sau vài tiếng tay chân cô gái đã bị mất cảm giác. Nhiều thông tin cho rằng, ngoài bị ngộ độc khí N2O trước đó cô gái này còn trẻ hút shisha, uống rượu, khiến các dây thần kinh bị ảnh hưởng.

Cô gái bị liệt vì hít bóng cười là thông tin không chính xác

Trào lưu sử dụng bóng cười trong một bộ phận giới trẻ. Ảnh Internet

Ngay sau khi thông tin trên xuất hiện đã nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng bởi trò chơi hít bóng cười hiện nay đang được giới trẻ ưa thích và coi là một trò chơi xả stress hữu hiệu.

Trao đổi với PV báo Công lý, TS. Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khẳng định, thông tin cô gái trẻ nhập viện vì ngộ độc khí N20 do hít bóng cười là thông tin không chính xác. Ông Hùng cho biết, cô gái sinh năm 1994, có tên là L.M.A. nhập viện điều trị với một căn bệnh khác hoàn toàn không liên quan đến bóng cười.

Hít bóng cười là trò chơi du nhập vào Việt Nam đã lâu nhưng trong thời gian gần đây mới rộ lên và được giới trẻ sử dụng như một trào lưu. Bóng cười không chỉ xuất hiện nhiều ở các tuyến phố trên địa bàn Hà Nội như: Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện, Hàng Buồm… mà còn được rao bán trên các trang mạng xã hội kèm clip hướng dẫn cách sử dụng.

Theo đó, các quả bóng cười sẽ được bơm khí N20, khi ngươi chơi hít phải khí này sẽ có cảm giác kích thích, gây hưng phấn khi đủ “phê” sẽ cười phá lên.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, không nên sử dụng khí N2O vì dùng trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng đến thần kinh trung ương. Đặc biệt, khí N2O không rõ nguồn gốc có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đắc Chuyên