Đảm bảo an toàn thực phẩm trong mùa bão, lụt
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:31, 18/10/2016
Theo thông tin từ Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương, dự báo tình hình điều kiện khí hậu, thời tiết nước ta trong những tháng cuối năm 2016 nhận thấy khả năng bão, áp thấp nhiệt đới sẽ kết thúc muộn, gió mùa đông bắc hoạt động sớm và mùa lũ lớn xuất hiện với tần suất cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Lũ lụt đang diễn ra tại một số tỉnh miền Trung ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Vì vậy việc tổ chức bữa ăn bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm trong và sau bão lụt sẽ giúp người dân có sức khỏe, nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng tránh được một số bệnh. Yêu cầu bữa ăn gia đình phải đảm bảo được:
1. Ăn no: Việc có đủ thực phẩm để ăn no trong các vùng lũ lụt là điều rất khó khăn, có thể sử dụng nhiều loại thực phẩm trong nhóm lương thực và các sản phẩm chế biến từ nhóm này như gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô... để có bữa ăn no.
2. Ăn đủ dinh dưỡng: Có đủ đại diện của 4 nhóm thực phẩm:
- Nhóm lương thực: Gạo, mì, ngô, khoai, sắn, mì tôm, bánh đa khô, bánh mì.... Ngoài gạo còn có các loại lương thực khác như khoai, củ, khoai cũng có nhiều loại (khoai lang, khoai môn, khoai nước, khoai sọ, khoai tây); Củ cũng đa dạng (củ sắn, củ dong, củ từ, củ mỡ....). Các loại ngô và khoai củ có thể nấu ăn riêng hoặc trộn với gạo nấu cơm.
- Nhóm chất đạm: Thịt, trứng, cá, tôm, cua, trai, ốc, đậu đỗ, vừng lạc... Có thể tận dụng các thực phẩm dễ kiếm từ nguồn ao, hồ, sông, đồng ngập nước (cá, tôm, lươn, ốc, ếch...). Vừa khai thác tiềm năng thiên nhiên này vừa khẩn trương phát triển nuôi trồng thủy sản ngay sau lũ rút để tạo ra sản phẩm cải thiện bữa ăn và phát triển kinh tế.
- Nhóm chất béo: Gia đình nào có mỡ thì dùng mỡ có dầu thì dùng dầu. Ngoài ra, có thể dùng đậu phụ, sữa đậu nành, vừng, lạc là những thức ăn giàu chất béo.
- Nhóm vitamin và chất khóang: rau xanh, quả chín là nguồn cung cấp chủ yếu vitamin và chất khoáng trong bữa ăn. Nên tận dụng các loại rau, củ quả có thể kiếm được ở địa phương. Rau gồm đủ loại (rau lá, rau củ, rau quả). Rau lá xanh có nhiều vitaminC, Beta caroten và có nhiều loại như: rau muống, rau bí, rau diếp, xà lách, rau đay, rau dền, rau mồng tơi, rau lang, rau ngót, rau cần.
Các loại rau gia vị có nhiều vi khoáng, kháng sinh thực vật, nhiều loại tinh dầu thơm có tác dụng kích thích ăn ngon miệng, làm tăng sức đề kháng của cơ thể. Rau ở Việt nam phát triển rất nhanh nên cần khuyến khích trồng ngay để cứu đói sau lũ lụt.
Ngoài rau trồng, còn có thể sử dụng nhiều loại rau mọc hoang dại như rau vòi voi, rau cải trời, rau dệu, rau giấp cá, rau dền gai, rau khúc, rau muối, rau sam, rau tàu bay, các loại măng rừng. Rau quả nên dùng tươi, tránh dập nát, rửa xong mới thái, thái xong nấu ngay rồi ăn ngay để tránh hao hụt vitamin.
3. Bữa ăn đa đạng: Nên phối hợp nhiều loại thực phẩm, trong điều kiện có thể nên phối hợp nhiều loại, bao gồm đại diện của 4 nhóm.
4. Ăn tiết kiệm: Người nấu ăn cần biết chọn thực phẩm an toàn, giàu dinh dưỡng, giá thành hạ, phối hợp đa dạng thực phẩm, tính toán nấu sao cho sát không để thừa.
5. Cố gắng ăn đủ 3 bữa trong ngày: Sáng, trưa, tối
6. Đảm bảo an toàn thực phẩm: Thức ăn phải an toàn, không bị nhiễm hóa chất độc, không bị nhiễm giun hay nhiễm khuẩn, không được là nguồn gây bệnh. Ăn uống mất vệ sinh sẽ sinh bệnh, nên trong bất cứ hoàn cảnh nào, kể cả khi thiếu thốn, khó khăn cũng phải đảm bảo an toàn vệ sinh. Cần thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm tại gia đình theo các hướng dẫn sau:
- Chọn các thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và bảo đảm vệ sinh an toàn.
- Chọn các loại rau quả tươi, giữ nguyên trạng thái tự nhiên, không bị dập nát, không được có màu sắc, mùi vị lạ.
- Chọn các loại phủ tạng, thịt và thủy sản còn tươi.
- Các thực phẩm đóng hộp, đóng gói sắn phải có nhãn ghi đầy đủ nội dung và còn hạn sử dụng
Không sử dụng các loại thực phẩm khô đã bị mốc; Không sử dụng các chất bảo quản, phẩm màu, đường hóa học đóng gói không có nhãn mác.
Không sử dụng các thực phẩm còn nghi ngờ; Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn đồ uống và rửa dụng cụ; Sử dụng các đồ dùng nấu nướng và ăn uống sạch; Chuẩn bị thực phẩm sạch và nấu chín kỹ; Ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín xong; Bảo quản cẩn thận thức ăn đã nấu chín và đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi ăn; Giữ gìn vệ sinh cá nhân tốt