Các hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu thứ 14

Chính trị - Ngày đăng : 10:45, 17/12/2019

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn hợp tác Á-Âu tại Tây Ban Nha. Tại đây, Phó Thủ tướng cũng đã có các cuộc tiếp xúc song phương.

Dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 14

Sáng ngày 16/12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao lần thứ 14 của Diễn đàn hợp tác Á-Âu (ASEM) đã chính thức khai mạc tại Cung điện Hoàng gia El Prado ở Thủ đô Madrid, Tây Ban Nha.

Tham dự hội nghị có các bộ trưởng ngoại giao và trưởng đoàn của 53 thành viên ASEM, gồm 21 quốc gia châu Á, 30 quốc gia châu Âu và EU, cùng Ban Thư ký ASEAN.

Đoàn đại biểu Việt Nam do Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự hội nghị. Nhà vua Tây Ban Nha Felipe VI đã chủ trì lễ đón chính thức các bộ trưởng ngoại giao ASEM với nghi thức trang trọng.

Các hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu thứ 14

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cùng các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 14

Phát biểu khai mạc hội nghị, Đại diện Cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell đã nêu bật vị thế của ASEM là cơ chế hợp tác quan trọng hàng đầu giữa hai châu lục, đi đầu thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, đóng góp vào xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển. Với chủ đề “Châu Á và châu Âu: Cùng hợp tác vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả”, hội nghị lần này sẽ đề ra những biện pháp cụ thể để tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác Á-Âu trên cả 3 trụ cột là đối thoại chính trị, hợp tác kinh tế và hợp tác trên các lĩnh vực khác.

Trong các phát biểu tại hội nghị, Trưởng đoàn các nước điều phối hiện tại là Singapore, Phần Lan và Nga đều nhấn mạnh nhu cầu cấp bách đẩy mạnh hợp tác đa phương để ứng phó với các thách thức toàn cầu. Nhà vua Tây Ban Nha cho rằng, ASEM cần đổi mới, nâng cao khả năng thích ứng và hiệu quả hợp tác, đi đôi với duy trì giá trị cốt lõi và nguyên tắc cơ bản của Diễn đàn, qua đó khẳng định vai trò không thể thiếu của ASEM trong cục diện đang thay đổi nhanh chóng. Các bộ trưởng ngoại giao cũng lắng nghe đại diện thanh niên Á-Âu trình bày những đề xuất nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác Á-Âu.

Sau lễ khai mạc, dưới sự chủ trì của ông Josep Borrell, các bộ trưởng đã tiến hành phiên họp toàn thể  đầu tiên về “Tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương - thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM về các vấn đề toàn cầu”. Các bộ trưởng khẳng định, ASEM cần phát huy vai trò nền tảng thúc đẩy hệ thống đa phương, củng cố hệ thống thương mại đa phương, cải cách Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trong đó cấp thiết là giải quyết bế tắc của Cơ quan phúc thẩm WTO và chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 tại Kazakhstan tháng 6/2020.

Hội nghị cũng nhất trí nhiều biện pháp tăng cường hợp tác ASEM ứng phó với các thách thức toàn cầu ngày càng gay gắt, nhất là biến đổi khí hậu, thiên tai và quản lý bền vững các nguồn tài nguyên, an ninh lương thực, năng lượng, nguồn nước, giảm chất thải nhựa ra đại dương…

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh là một trong những bộ trưởng đầu tiên, đại diện của ASEAN phát biểu tại hội nghị.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các cơ chế hợp tác đa phương với trung tâm là Liên Hợp Quốc (LHQ) đã khẳng định vai trò không thể thiếu trong 75 năm qua. Trước thềm thập niên thứ ba của thế kỷ 21, thế giới đang ở thời điểm bước ngoặt với những chuyển đổi sâu sắc và không thể đảo ngược của thời đại số, với những tiềm năng to lớn cho hòa bình và phát triển bền vững. Song, chủ nghĩa đa phương đang đứng trước những thách thức chưa từng có, nhất là cạnh tranh và đối đầu gay gắt, tranh chấp thương mại gia tăng, tâm lý chống toàn cầu hóa,  khác biệt về hệ thống thương mại đa phương, tác động sâu rộng của rủi ro công nghệ số, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng, sự chững lại của tăng trưởng kinh tế và thương mại, các thói quen không bền vững về môi trường…

Để ASEM tiếp tục đóng vai trò đi đầu thúc đẩy hợp tác đa phương và trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và nâng cao vai trò chiến lược của Diễn đàn trong các thập kỷ tới, Phó Thủ tướng nêu 3 đề xuất quan trọng:

Thứ nhất, khẳng định vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ đối với quan hệ quốc tế và hợp tác đa phương; cần tuân thủ và tôn trọng luật pháp quốc tế, cơ sở cho quan hệ bình đẳng giữa các quốc gia.

Thứ hai, cần một chương trình nghị sự mới và có tính thời đại cũng như cách tiếp cận tổng thể đối với hợp tác đa phương ở mọi tầng nấc, khu vực, liên khu vực và toàn cầu, trong đó đặt người dân vào trung tâm, chú trọng các vấn đề hòa bình, an ninh truyền thống và phi truyền thống trong kỷ nguyên số; kinh tế số, kết nối, phát triển bền vững và bền vững về môi trường; tự do hóa thương mại và đầu tư và các vấn đề thương mại thế hệ mới; thúc đẩy sự tham gia và đóng góp rộng rãi của tất cả các quốc gia, đặc biệt là các nước vừa và nhỏ, các tổ chức khu vực và các bên liên quan, trong đó có thanh niên; tiếp tục ưu tiên triển khai Chương trình nghị sự năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Chương trình hành động Addis Ababa về tài chính cho phát triển và Thoả thuận Paris về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thứ ba, thúc đẩy cải cách các thể chế đa phương, đặc biệt là LHQ và WTO, nhằm thích ứng với thay đổi thời đại và giải quyết hiệu quả các vấn đề cấp bách của người dân; thúc đẩy các cách tiếp cận, các chuẩn mực và khuôn khổ mới nhằm quản trị hiệu quả các vấn đề quan tâm chung thông qua các tiến trình đa phương và sự tham gia, đóng góp của tất cả các quốc gia trên cơ sở bình đẳng.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, hợp tác đa phương có vị trí đặc biệt trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; nêu bật cam kết mạnh mẽ của Việt Nam triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và Thỏa thuận Paris về ứng phó biến đổi khí hậu, trong đó phấn đấu đạt mục tiêu chấm dứt  sử dụng đồ nhựa dùng một lần vào năm 2025.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề xuất, Việt Nam tổ chức “Đối thoại cao cấp ASEM về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong kỷ nguyên số” trong năm 2020. Nhiều thành viên ASEM, trong đó có Australia, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Indonesia, Italy, Nhật Bản và Na Uy đã ủng hộ và tham gia đồng sáng kiến. Với vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Chủ tịch ASEAN năm 2020, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng các thành viên ASEM tăng cường sức sống cho hệ thống đa phương và thúc đẩy quan hệ đối tác ASEM trong các vấn đề toàn cầu vì hòa bình và phát triển bền vững ở hai khu vực và trên thế giới.

Các hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu thứ 14

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự hội nghị

Chiều ngày 16/12, tại Cung điện Hoàng gia El Prado, Madrid, dưới sự chủ trì của ông Josep Borrell, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 đã tiến hành phiên toàn thể thứ hai về “Xây dựng kết nối bền vững giữa châu Á và châu Âu”.

Các bộ trưởng nhất trí tiếp tục đặt trọng tâm vào hợp tác kết nối, triển khai hiệu quả Chương trình hành động ASEM về kết nối đã được các lãnh đạo thông qua tại Hội nghị cấp cao ASEM lần thứ 12 tại Brussels tháng 10/2018. Hội nghị nhất trí tiếp tục thúc đẩy kết nối bền vững và toàn diện, chú trọng kết nối giao thông, năng lượng, kỹ thuật số và con người trên cơ sở công bằng, mở và minh bạch, bảo đảm bền vững về kinh tế, tài chính, môi trường, tận dụng cơ hội và ứng phó với các vấn đề của kinh tế số. Các bộ trưởng đề nghị cần bảo đảm phát triển cơ sở hạ tầng chất lượng, bền vững, các dự án đầu tư hạ tầng cần phù hợp theo các chuẩn mực quốc tế.

Trưa cùng ngày, các bộ trưởng ngoại giao ASEM đã tiến hành phiên họp riêng về “Các vấn đề quốc tế và khu vực”, tập trung trao đổi các vấn đề liên quan đến hòa bình, an ninh, chống chủ nghĩa khủng bố, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, an ninh hàng hải, Trung Đông-Bắc Phi, Iran, Bắc Triều Tiên, Biển Đông…

Về an ninh, an toàn hàng hải và Biển Đông, hội nghị khẳng định cam kết duy trì hòa bình, ổn định, bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, các hoạt động kinh tế biển không bị cản trở theo quy định luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Các thành viên bày tỏ quan ngại và đề nghị không có các hành động gây mất ổn định và làm gia tăng căng thẳng. Các bộ trưởng kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình phù hợp với luật pháp quốc tế, kiềm chế các hành động đơn phương trái với luật pháp quốc tế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực vi phạm Hiến chương LHQ, tôn trọng các tiến trình ngoại giao cũng như quyền của các quốc gia ven biển tại vùng biển của mình, thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh về những chuyển biến nhanh chóng, khó lường của tình hình thế giới, với nhiều thách thức gay gắt; luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ có vai trò nền tảng trong xây dựng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ, thúc đẩy quan hệ bình đẳng và công bằng giữa các quốc gia và giải quyết hiệu quả những thách thức của thời đại. Việt Nam ủng hộ mọi nỗ lực phù hợp với Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế để tìm giải pháp hòa bình và bền vững cho các xung đột và tranh chấp ở Trung Đông, châu Phi, châu Á…

Tại Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải huyết mạch nối giao thương Á-Âu và toàn cầu, thời gian qua đã có nhiều diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, tác động tiêu cực đến môi trường hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không ở khu vực. Việt Nam và các nước ASEAN cam kết mạnh mẽ tăng cường đối thoại, xây dựng lòng tin và các biện pháp phòng ngừa, cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và UNCLOS; đề nghị không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và xây dựng COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS .

Phó Thủ tướng nhấn mạnh cần cùng nhau thượng tôn pháp luật, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, xây dựng vùng Biển Đông hòa bình, hợp tác và phát triển thịnh vượng.

Sau một ngày làm việc hiệu quả, chiều ngày 16/12, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEM lần thứ 14 đã kết thúc thành công tốt đẹp. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Chủ tịch, khẳng định quyết tâm của các thành viên ASEM tăng cường quan hệ đối tác Á-Âu vì chủ nghĩa đa phương hiệu quả, hợp tác ứng phó với các thách thức toàn cầu, thúc đẩy kết nối giữa hai châu lục, đồng thời đề ra những định hướng nâng tầm hợp tác ASEM trong thời gian tới. Thành công của hội nghị đã tạo những động lực mới cho quan hệ đối tác năng động và gắn kết Á-Âu, qua đó tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng của ASEM trong thế giơi đang chuyển đổi.

Đối với Việt Nam, trong triển khai đổi mới toàn diện, hội nhập quốc tế sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, Diễn đàn ASEM tiếp tục là cơ chế hợp tác liên khu vực quan trọng để thúc đẩy các lợi ích, quan tâm về kinh tế, phát triển và an ninh cũng như nâng cao vị thế của đất nước.

Tiếp xúc song phương tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 14

Trong khuôn khổ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu lần thứ 14 (FMM14), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu, Bộ trưởng Ngoại giao Kazakstan Tleuberdi Mukhtar, quyền Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Margarita Robles, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney và Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria Ekaterina Zakarieva.

Các hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu thứ 14

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu

Tại cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Romania Bogdan Aurescu, hai bên bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ hai nước, nhất là sau chuyến thăm Romania của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (tháng 4/2019); hai bên vừa tổ chức thành công kỳ họp lần thứ 16 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế vào ngày 3 và 4/10/2019.

Hai bên cho rằng, quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước và cộng đồng người Việt ở Romania cùng với những người Việt Nam đã từng học tập tại Romania trước đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy hợp tác hai nước phát triển mạnh mẽ hơn; nhất trí hai nước sẽ tổ chức các hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2020. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Romania tiếp tục tiếp nhận lao động Việt Nam và quan tâm tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam hòa nhập tốt với sở tại.

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Kazakstan Tleuberdi Mukhtar, hai bên bày tỏ hài lòng cho rằng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai nước ngày càng phát triển tốt đẹp.

Hai bên duy trì trao đổi đoàn ở các cấp, các ngành, mới đây nhất là Chủ tịch Hạ viện Kazakstan thăm Việt Nam vào tháng 11/2019. Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu, mà Kazakstan là thành viên, đã mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước, kim ngạch thương mại hai chiều đạt 268 triệu USD năm 2018. Hai bên cũng nhất trí tiếp tục phối hợp trên các diễn đàn khu vực và quốc tế, nhất là trong bối cảnh Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN và Kazakstan làm Chủ tịch Hội nghị phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) vào năm 2020.

Các hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu thứ 14

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và quyền Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Margarita Robles

Trao đổi với quyền Bộ trưởng Ngoại giao Tây Ban Nha Margarita Robles, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh chúc mừng Tây Ban Nha tổ chức thành công Hội nghị COP 25 và FMM 14 mặc dù thời gian chuẩn bị gấp rút. Quyền Bộ trưởng Margarita Robles cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ và tham gia tích cực vào các sự kiện quan trọng này.

Về quan hệ song phương, hai bên nhất trí cho rằng quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước ngày càng được củng cố và tăng cường sau 10 năm thiết lập (2009-2019). Hai bên cần tiếp tục duy trì tiếp xúc chính trị, làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế thương mại, sớm tổ chức phiên họp lần thứ nhất Ủy ban hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; đẩy mạnh hợp tác về năng lượng tái tạo, hạ tầng, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao và môi trường. Về đa phương, hai bên cho rằng cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương và cùng đóng góp thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU.

Trong cuộc gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá cao quan hệ hai nước không ngừng phát triển, đặc biệt sau thành công chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ireland năm 2016.

Phó Thủ tướng  Simon Coveney khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng của Ireland ở khu vực. Hai nước có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là trong các lĩnh vực Ireland có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu phát triển, như nông nghiệp, chế biến thực phẩm và công nghệ…

Hai bên nhất trí tiếp tục triển khai nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ hai nước, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn các bộ, ngành và sớm thành lập cơ chế Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư…

Các hoạt động của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Á-Âu thứ 14

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria Ekaterina Zakarieva

Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bulgaria Ekaterina Zakarieva, hai bên vui mừng về sự phát triển tích cực của quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam-Bulgaria và nhất trí tổ chức các hoạt động kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước vào năm 2020. Hai bên cũng trao đổi và nhất trí các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển toàn diện trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, văn hoá-giáo dục.

Trong các cuộc gặp và tiếp xúc song phương, các nước đều chúc mừng Việt Nam tiếp nhận vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và đã trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 với số phiếu cao; khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong các khuôn khổ ASEAN, LHQ và các diễn đàn khu vực và toàn cầu khác.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị các nước EU tiếp tục có tiếng nói thúc đẩy Nghị viện châu Âu sớm phê chuẩn EVFTA để EVFTA, EVIPA sớm đi vào triển khai nhằm khai thác những cơ hội to lớn từ hai Hiệp định này. Việt Nam và các nước EU nhất trí ủng hộ thượng tôn pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế.

* Trong hai ngày 15 và 16/12/2019, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có các tiếp xúc ngắn với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ba Lan, Hà Lan, Na Uy, Slovenia; Quốc vụ khanh Thụy Sĩ, Croatia và Trưởng đoàn Đan Mạch nhằm trao đổi các biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác cả trên bình diện song phương và đa phương, trong đó có việc thúc đẩy các chuyến thăm cấp cao và việc thực hiện các thoả thuận, cơ chế hợp tác cũng như phối hợp với nhau trên các diễn đàn khu vực và quốc tế như LHQ, ASEM, các diễn đàn của ASEAN.

Nhóm PV