Vì sao người sinh vào mùa thu và đông thường trường thọ hơn?

Sức khỏe - Ngày đăng : 12:56, 09/09/2016

Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học đến từ Đại học Columbia cho thấy, mùa sinh khác nhau ảnh hưởng lớn đến tuổi thọ con người.

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, những người sinh vào mùa thu và đông thường sống thọ hơn nhóm người chào đời vào mùa xuân. Đặc biệt, tỷ lệ mắc bệnh ở tuổi già của nhóm này cũng ít hơn.

Riêng đối với những người trên 50 tuổi, thì mối quan hệ giữa mùa sinh và sức khỏe càng thể hiện rõ ràng hơn. Vì theo nghiên cứu của Đại học Chicago đã chỉ ra là, những người sinh vào mùa đông có tỷ lệ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường sau tuổi 50 là rất thấp.

Dựa theo số liệu thống kê tại Áo cho thấy, người sinh ra giữa tháng 10 và 12 có tuổi thọ trung bình cao hơn 7 năm so với nhóm chào đời giữa tháng 4 và 6. Và số người sinh vào tháng 12 sống thọ trên 100 tuổi nhiều hơn 16% so với mặt bằng dân số chung.

Còn tại Đan Mạch, chênh lệch tuổi thọ giữa hai nhóm này là khoảng 4 tháng. Ở nam bán cầu cũng có tình trạng tương tự. Những người Australia cất tiếng khóc đầu tiên vào mùa thu thì sống lâu hơn khoảng 4 tháng so với những người ra đời trong mùa Xuân.

Nghiên cứu của Đại học Columbia cũng chỉ ra rằng, những người sinh vào mùa thu và mùa đông thường dễ mắc bệnh hơn nhưng đổi lại họ lại có tuổi thọ khá cao.

 Vì sao người sinh vào mùa thu và đông thường trường thọ hơn?

Những người sinh vào mùa thu và đông thường sống thọ hơn nhóm người chào đời vào mùa xuân

Các nhà khoa học lý giải rằng, những đứa trẻ sinh vào mùa thu có nồng độ vitamin D trong cơ thể cao hơn bình thường vì mẹ chúng đã hấp thụ ánh nắng mặt trời trong suốt thời gian trước đó. Trong khi với trẻ sinh ra vào mùa xuân, sự thiếu hụt ánh sáng Mặt trời khiến chúng dễ mắc các chứng rối loạn ăn uống, tâm thần phân liệt và tiểu đường.

Một lý do nữa có thể là họ chịu tác động của môi trường từ sớm khiến cơ thể dễ mắc bệnh, nhưng cũng nhờ đó mà gia tăng sự tái tạo của môi trường cơ thể, chẳng hạn như tăng khả năng miễn dịch chống lại tác nhân gây hại. Cũng có thể do họ mắc bệnh sớm hơn nên có ý thức chăm sóc sức khoẻ hơn và chú ý rèn luyện lối sống lành mạnh.

Mặc dù, kết luận trên đây chỉ là số liệu tổng hợp của các cuộc điều tra khảo sát về dân số học. Nhưng phát hiện này cũng đã mở ra một hướng đi mới, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, tạo động lực cho họ tiếp tục mở rộng nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa của thực trạng trên.

Hà Kim