Đối tượng nào thường xuyên đối mặt với căn bệnh gây chết người trong vòng 48h?

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:18, 01/09/2016

Những người thường xuyên tiếp xúc với bùn, đất ẩm, đất canh tác nông nghiệp có nguy cơ cao nhiễm vi khuẩn gây bệnh whitmore – loại bệnh cực nguy hiểm, có khả năng gây tử vong trong vòng 48h.

Đối tượng nào thường xuyên đối mặt với căn bệnh gây chết người trong vòng 48h?

Một bệnh nhân nhiễm vi khuẩn gây bệnh whitmore đang được điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh chụp màn hình

Mới đây một loạt các ca nhiễm bệnh whitmore đã được phát hiện ở nhiều địa phương trong cả nước. Do được phát hiện kịp thời và đang được điều trị tích cực tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Các chuyên gia y tế khẳng định, bệnh whitmore cực kỳ nguy hiểm và có thể gây tử vong trong vòng 48h. Vi khuẩn gây bệnh whitmore có mặt ở khắp nơi, đặc biệt nhiều ở bùn, đất ẩm, đất canh tác nông nghiệp hoặc ở mặt nước ao, hồ… Vì thế, ai cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây bệnh whitmore. Tuy nhiên, nông dân là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh vì thường xuyên tiếp xúc với bùn, đất.

Trên thực tế, đa số các ca nhiễm bệnh whitmore là nông dân, có độ tuổi từ 50 đến 70. Khoảng 70% số lượng ca whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 11 và trong tình trạng nặng.

Bác sĩ Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đặc điểm chung của các bệnh nhân mắc bệnh whitmore khi chuyển đến viện là nặng, có biểu hiện suy hô hấp, tổn thương nhiều cơ quan, tỷ lệ tử vong bệnh là từ 40-60 % kể cả có được điều trị. 

Đối tượng nào thường xuyên đối mặt với căn bệnh gây chết người trong vòng 48h?

Bác sĩ Đỗ Duy Cường – Trưởng Khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh chụp màn hình

Do mức độ nguy hiểm mà người ta nghĩ rằng đây là một căn bệnh mới xuất hiện. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế hàng đầu của Việt Nam khẳng định, đây là căn bệnh đã có ở Việt Nam từ lâu nhưng lâu nay bị “bỏ quên” bởi nó rất khó phát hiện và khi chẩn đoán thì thường bị nhầm sang các căn bệnh khác có triệu trứng tương tự như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu…

Hiện, bệnh whitmore có mặt ở 80 quốc gia. Hàng năm có khoảng 165.000 người nhiễm bệnh và bệnh cướp đi sinh mạng sống của 89.000 người. Dự báo, mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 10.430 ca nhiễm bệnh và khoảng 4.703 ca tử vong.

Đến nay bệnh whitmore vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và việc chẩn đoán cũng như điều trị gặp rất nhiều khó khăn vì phải dùng kháng sinh tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất khoảng 2 đến 4 tuần, sau đó dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6 tháng.

Ngay cả khi đã chữa khỏi bệnh thì nguy cơ tái phát là rất cao, sức khỏe của bệnh nhân rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác đồ.

Để phòng tránh bệnh whitmore, cách tốt nhất là người dân nên mang ủng khi đi làm ruộng và hạn chế tiếp xúc với đất bùn đặc biệt là trong mùa mưa.  

Đ.C