Không cần bác sỹ, mẹ đảm chữa viêm phế quản cho con thế nào?
Sức khỏe - Ngày đăng : 07:41, 31/08/2016
Cũng giống như những chứng bệnh viêm khác, viêm phế quản chịu tác động lớn của thói quen ăn uống. Rất nhiều nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia y tế hàng đầu trên thế giới đã chỉ ra rằng: có mối quan hệ mật thiết giữa ăn uống và sự tăng lên hay giảm nhẹ của tình trạng viêm phế quản.
Chế độ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ
Một chế độ dinh dưỡng giàu năng lượng và giàu protein sẽ đem lại cho trẻ nhiều lợi ích, giúp trẻ hạn chế tình trạng sụt cân, giúp cơ thể trẻ hồi phục và thúc đẩy hoạt động của hệ miễn dịch hoạt động tốt, từ đó, việc điều trị bệnh viêm phế quản ở trẻ cũng được thuận lợi.
Mẹ cần chọn lựa những thực phẩm giàu chất béo, chất đạm như thịt heo, thịt gà, thịt vịt, cá, trứng, các loại đậu, sữa và các chế phẩm từ sữa. Ngoài ra, mẹ có thể tăng lượng calo cho trẻ trong mỗi bữa ăn bằng việc sử dụng thêm các loại dầu, bơ, bơ thực vật, bơ đậu phộng khi chế biến thực phẩm khác nhau.
Không nên cho trẻ ăn quá nhiều trong 1 lần và nên chia thành nhiều bữa nhỏ để giúp bé hấp thụ được tốt hơn.
Bổ sung cho trẻ thêm nhiều rau xanh và trái cây
Trái cây, rau xanh và ngũ cốc cung cấp các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa cần thiết. Mẹ nên tăng cường các loại thực phẩm này trong bữa ăn hàng ngày của trẻ. Mẹ cần chọn những loại quả, rau màu tươi sáng như bông cải xanh, cà chua, cà rốt, ớt, cam, táo và dưa, các loại rau, gia vị đồng thời là thảo dược như cỏ xạ hương, húng chanh.
Trong khi đó, ngũ cốc nguyên hạt cung cấp cho trẻ selen và kẽm, những chất vi lượng sẽ bảo vệ trẻ khỏi các gốc tự do.
Sữa và các chế phẩm từ sữa như sữa chua, sữa tươi, pho mát và trứng cung cấp cho trẻ men vi sinh cần thiết và vitamin E. Trong khi các men vi sinh giúp cơ thể phục hồi lại sự cân bằng tự nhiên, thì vitamin E lại là một chất chống oxy hóa mạnh giúp trẻ bị viêm phế quản mau hồi phục sức khỏe.
4 loại thực phẩm giúp cho trẻ khỏi viêm phế quản
Tỏi
Không chỉ là một loại gia vị sử dụng hàng ngày trong các món ăn mà tỏi còn là một vị thuốc chữa rất nhiều bệnh như cảm, sốt. viêm phế quản,… Trong tỏi có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là selen, tốt cho sức khỏe, giúp kháng khuẩn,… Mẹ có thể dùng tỏi băm nhuyễn rồi trộn với ít mật ong và đem ninh thành cao rồi cho bé uống.
Gừng
Gừng có tác dụng chống co thắt cơ trơn, chống dị ứng, kháng histamin, chống viêm và giảm ho. Hoạt chất cineol trong Gừng có tác dụng tiêu diệt nhiều loại vi khuẩn gây bệnh. Gừng tươi được dùng chữa cảm mạo phong hàn, ngạt mũi, ho có đờm.
Mẹ dùng gừng chế biến trong các món ăn thường ngày hoặc có thể pha nước gừng cho trẻ bị viêm phế quản uống.
Lá tía tô
Tía tô không chỉ là một loại rau ăn hàng ngày mà chắc hẳn các mẹ đều biết đến công dụng trị ho, trị cảm sốt của loại lá này. Hoạt chất luteolin trong tía tô có tác dụng chống dị ứng. Tía tô được dùng làm thuốc long đờm, chữa ho nhiều đờm, điều trị viêm phế quản ở trẻ. Mẹ dùng là tía tô nấu cháo cho trẻ ăn vừa giúp cung cấp thêm năng lượng cho trẻ vừa giúp trẻ mau chóng khỏi bệnh.
Ô mai
Ô mai hay còn gọi là xí muội, thường được dân gian dùng để làm thuốc giảm ho, chống khô họng, viêm họng, khản tiếng, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngậm. Ô mai có thể kết hợp thêm với mật ong hoặc gừng để tăng thêm tác dụng giảm ho, nhất là ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh hoặc ho do viêm họng. Trong đông y, ô mai là vị thuốc kết hợp với nhiều vị khác để chữa các chứng ho lâu năm, ho lâu ngày, khản tiếng, viêm phế quản, viêm họng.
Mẹ có thể cho trẻ ăn trực tiếp ô mai hoặc ngâm với đường và cho trẻ dùng.
Chăm trẻ bị viêm phế quản tại nhà
Trẻ bị viêm phế quản phổi vẫn phải bú mẹ, nếu trẻ không tự bú thì phải vắt sữa ra bình, cốc hoặc cho trẻ ăn sữa ngoài nếu mẹ không có sữa.
Bù lại lượng nước đã mất do sốt cao, nôn trớ, tiêu chảy cho trẻ bằng cách cho uống nhiều nước hơn (tốt nhất cho uống orezol).
Không nên chườm ấm hay chườm lạnh, tránh làm tăng nhu cầu ôxy.
Bảo đảm chế độ dinh dưỡng: các bà mẹ vẫn duy trì chế độ ăn bình thường cho con (bú mẹ, ăn sữa bằng thìa cốc nếu trẻ không bú được, ăn tăng cường nếu trẻ trong thời kỳ ăn dặm…).
Trong khi trẻ bị viêm phế quản phổi, bố mẹ không hút thuốc lá trong nhà, tránh cho trẻ ra ngoài vì bụi và các ô nhiễm khác khiến bệnh sẽ nặng hơn.
Nhiều bà mẹ thường mắc sai lầm trầm trọng, đó là, khi thấy con ho, sổ mũi, sợ con nhiễm lạnh nên càng không tắm. Không tắm thì vệ sinh của trẻ kém, lại càng dễ nhiễm bệnh nặng hơn.
Hãy nhớ rằng với trẻ bị viêm đường hô hấp, việc vệ sinh, tắm rửa sạch sẽ cho trẻ là tối quan trọng. Có điều, bạn không nên để trẻ bị nhiễm lạnh thêm. Phải chọn chỗ tắm kín gió, nước vừa đủ ấm, tắm từng phần chứ không cởi hết quần áo trẻ ra tắm một lần. Tắm xong phần nào nên lau khô cho trẻ ngay phần ấy, quấn khăn vào càng tốt. Xong hết thì thay quần áo cho sạch sẽ.
Một điều cũng hết sức quan trọng đó là dùng điều hoà làm sao cho trẻ không bị khó thở, tiêu chảy thì BS Nguyễn Văn Lộc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: để an toàn cho trẻ thì tốt nhất cha mẹ nên để điều hoà ở mức 25 – 27 độ C là hợp lý nhất. Vì để nhiệt độ trong nhà chệnh với nhiệt độ ngoài trời 7 độ C thì sẽ tốt cho trẻ hơn.
Và điều đáng lưu ý nữa là trẻ nhỏ không nên nằm trong phòng điều hoà quá 4 giờ liên tục thường sẽ làm da trẻ khô, họng khô. Tốt nhất khoảng 2 – 3 giờ mẹ nên cho bé ra ngoài nhiệt độ bình thường 1 lần. Trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt điều hoà, mở cửa phòng để lưu thông và để bé thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.