Thủ tướng đồng ý đầu tư nâng cấp sân bay và xây dựng cảng biển tại Cà Mau
Chính trị - Ngày đăng : 16:38, 11/12/2019
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phú phát biểu tại cuộc làm việc
Sáng nay, 11/12, tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Cà Mau.
Yêu cầu Bộ GTVT đề xuất chủ trương đầu tư, nâng cấp sân bay
Tại cuộc làm việc, lãnh đại tỉnh nêu một số kiến nghị cụ thể đối với Thủ tướng như bổ sung quy hoạch điện khí và hệ thống kho chứa khí vào Quy hoạch điện VIII, nâng cấp, mở rộng sân bay Cà Mau. Hiện nay, sân bay Cà Mau có đường hạ cất cánh dài 1.500 m, là sân bay hàng không dân dụng cấp 3C, đang khai thác tuyến bay giữa Cà Mau và Thành phố Hồ Chí Minh với lịch bay thường lệ 1 chuyến/ngày bằng máy bay ATR 72-500. Việc đầu tư nâng cấp đường cất, hạ cánh Sân bay Cà Mau đạt chiều dài 2.400 m, xây dựng khu hàng không dân dụng để có thể khai thác các máy bay cỡ trung kết nối Cà Mau với các thành phố lớn Hà Nội, Đà Nãng,... là hết sức cần thiết, phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội và du lịch tỉnh Cà Mau nói riêng và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cũng như bảo đảm an ninh quốc phòng vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
lãnh đại tỉnh cũng phản ánh cảng Hòn Khoai nằm cận kề tuyến hàng hải quốc tế, là điểm kết nối tuyến hành lang trên biển từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, tỉnh Cà Mau đã tích cực mời gọi các nhà đầu tư có uy tín, năng lực, kinh nghiệm để tham gia đầu tư thực hiện Dự án cảng biển Hòn Khoai, đến nay đã có các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, nghiên cứu, đề xuất thực hiện Dự án. Tuy nhiên để thực hiện Dự án, nhà đầu tư phải đầu tư đồng bộ tất cả cơ sở hạ tầng với nhu cầu vốn đầu tư rất lớn, hiệu quả đầu tư sẽ không cao, khó thu hồi vốn, dẫn đến dự án kém hấp dẫn, khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng xem xét, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đưa Dự án cảng biển Hòn Khoai vào Chương trình Xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2020 để hỗ trợ tỉnh tìm kiếm những nhà đầu tư đủ tiềm năng, Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, lập Quy hoạch xây dựng Dự án cảng biển Hòn Khoai để làm căn cứ sớm triển khai Dự án.
Trả lời các kiến nghị của tỉnh, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là Trung ương tiếp tục phân cấp, giao quyền mạnh mẽ cho địa phương điều hành quản lý tốt những dự án, chương trình đã giao. Vì vậy, tỉnh xác định tâm thế, năng lực, nhất là kế hoạch phát triển 5 năm cho tốt cũng như kế hoạch phòng chống thiên tai, giữ đất, giữ rừng, như vậy sinh thái Cà Mau mới còn, mới nghĩ đến du lịch và các dịch vụ khác, “nếu ta mất đất, mất rừng thì khó có sự phát triển”.
Về kiến nghị liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, Thủ tướng nhắc lại việc xây dựng cao tốc Cần Thơ-Cà Mau, tuyến đường có ý nghĩa quan trọng với Cà Mau. Về sân bay Cà Mau, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải đề xuất chủ trương quy hoạch, đầu tư sân bay một cách mạnh mẽ khi phát triển du lịch, dịch vụ là hướng quan trọng với Cà Mau.
Về cảng Hòn Khoai, Thủ tướng đồng ý tỉnh chủ động xây dựng Dự án, Bộ Giao thông vận tải xem xét, góp ý kiến trên tinh thần đầu tư xã hội hóa. Thủ tướng tin rằng, có cảng này, Cà Mau sẽ cất cánh mạnh mẽ hơn, không có cảng, sân bay ở một địa phương xa xôi như thế này thì không thể phát triển được.
Giáo dục và khoa học công nghệ là chìa khóa then chốt
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng ghi nhận lãnh đạo tỉnh Cà Mau có nhiều cố gắng trong chỉ đạo điều hành, quản lý. Kinh tế xã hội đạt kết quả tương đối toàn diện. Đời sống nhân dân cải thiện rõ rệt. Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, bất cập mà tỉnh cần nỗ lực khắc phục như quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu…
Về một số định hướng phát triển của tỉnh, Thủ tướng đề nghị tỉnh làm tốt kế hoạch 5 năm, nhất là kế hoạch đầu tư phát triển chủ động hơn. Chiến lược phát triển của Cà Mau cần tập trung một số trụ cột gồm: Nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là thủy sản và du lịch; phát triển kinh tế tư nhân; công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm.
Cần giữ gìn môi trường sinh thái trong bối cảnh biến đổi khí hậu, “giữ màu xanh, phát triển rừng là hướng mà các đồng chí đã làm nhưng cần tiếp tục làm mạnh mẽ hơn”. Chú ý thu hút nhà đầu tư bài bản đến làm ăn kinh doanh, nhất là các mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp.
Đầu ra nông nghiệp Cà Mau phải hướng đến thị trường quốc tế, do đó, cần chú ý vấn đề chất lượng và “chính quyền và doanh nghiệp đều phải có ý thức tư duy hội nhập”. Phải chú trọng cải thiện môi trường kinh doanh, nhất là những lĩnh vực còn hạn chế ở địa phương.
Giáo dục và khoa học công nghệ là chìa khóa then chốt cho phát triển của Cà Mau, Thủ tướng nêu rõ, “nền kinh tế số ở Cà Mau như thế nào, có áp dụng thương mại điện tử không, người nông dân có thể sử dụng điện thoại di động để truy xuất nguồn gốc sản phẩm như thế nào”. Do đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cần coi là ưu tiên cao nhất để hình thành văn hóa kinh doanh mới phù hợp với cạnh tranh quốc tế và hội nhập.
Cùng với đó, cần thay đổi tư duy quy hoạch phát triển, tái bố trí dân cư theo phương án tập trung theo cụm nhằm nâng cao hiệu quả cơ sở hạ tầng, giảm chi phí dịch vụ công.
Cần tiếp tục các giải pháp phòng chống thiên tai mà Cà Mau đang làm như trồng rừng, làm đê mềm.
Cà Mau nằm ở cực Nam của Tổ quốc, tâm điểm các nước khu vực ASEAN, thuận lợi cho phát triển vận tải biển, kinh tế biển, khai thác dầu khí. Tỉnh có vùng biển rộng (trên 71.000 km2) là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước. Cà Mau có rừng ngập nước ven biển và rừng ngập lợ với hệ sinh thái đa dạng với nhiều loài động thực vật quý hiếm, có tầm quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, cân bằng môi trường sinh thái; mang đậm nét đặc thù của vùng đồng bằng Nam Bộ (nhiều sông ngòi, đầm phá, có hệ sinh thái rừng ngập nước) với nhiều điểm đến hấp dẫn, nổi tiếng. Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Cà Mau, năm 2019, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 7%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 47 triệu đồng. Thu ngân sách hơn 5.500 tỷ đồng. Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu, 1 chỉ tiêu không đạt là kim ngạch xuất khẩu (1,1 tỷ/1,2 tỷ USD). Tỉnh tiếp tục đứng đầu cả nước về diện tích cũng như sản lượng nuôi tôm nước lợ (khoảng 280 nghìn ha, chiếm 1/3 diện tích của cả nước; sản lượng đạt 208,5 nghìn tấn). Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn thấp so với các tỉnh trong vùng ĐBSCL (tốc độ tăng trưởng chỉ đứng thứ 12/13); là một trong các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng; nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Yếu tố địa chất, nền đất yếu, hệ thống kênh rạch đan xen phức tạp dẫn tới suất đầu tư và chi phí xây dựng cao hơn các khu vực khác, giảm tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư. |