Ôm họa vì làm đẹp bằng chất làm đầy trôi nổi trên thị trường

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:47, 30/07/2016

Với mong muốn “tút tát” lại nhan sắc mà không cần dao kéo, nhiều người đã chọn phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy (filler).

Với mong muốn “tút tát” lại nhan sắc mà không cần dao kéo, nhiều người đã chọn phương pháp làm đẹp bằng chất làm đầy (filler). Thế nhưng, theo nhiều bác sỹ, việc tiêm phải chất làm đầy không rõ nguồn gốc có thể khiến khuôn mặt biến dạng, hoại tử môi, mũi, thậm chí mù mắt hoặc mất thị lực.

Mù mắt, hoại tử da mặt...

Mới đây, một thiếu nữ ở TP. Hà Nội đã phải nhập viện điều trị dài ngày vì hoại tử môi sau khi làm đẹp tại một spa ở quận Hoàn Kiếm. Khoảng 1 tháng trước đó, cô đã được tiêm chất làm đầy để “môi đầy đặn, căng bóng” như lời quảng cáo.

Tuy nhiên, một thời gian sau, đôi môi bắt đầu nứt, sưng phồng, chảy dịch khiến cô bị sốt cao. Tiếp nhận ca bệnh này, các bác sỹ Bệnh viện (BV) Việt Nam - Cuba (TP. Hà Nội) đã phải rạch môi, lấy ra nhiều mủ đặc lẫn chất làm đầy và điều trị kháng sinh liều cao để tránh nhiễm trùng.

Ôm họa vì làm đẹp bằng chất làm đầy trôi nổi trên thị trường

Các bác sỹ cảnh báo nguy cơ tai biến sau khi tiêm chất làm đầy trôi nổi. (Ảnh chỉ có tính minh họa)

Trước đó, trên mạng xã hội cũng chia sẻ hình ảnh các cô gái với đôi môi sưng tấy, mũi vẹo, cằm lệch, có cục cứng ở cằm, mũi... vì tiêm chất làm đầy ở spa hoặc cơ sở làm đẹp. Một nạn nhân của phương pháp bơm chất làm đầy cho biết cô cũng rơi vào tình cảnh chỗ lồi chỗ lõm ở mũi. Theo một nạn nhân khác, sau khi tiêm chất làm đầy vào đầu mũi gần 1 năm, mũi cô thỉnh thoảng lại sưng đỏ, nhìn rất khó chịu.

Nhiều cô gái là nạn nhân của chất làm đầy cho biết, do khuôn mặt biến dạng từ mũi đến cằm... nên họ cảm thấy mất tự tin khi đi học, đi làm. Hầu hết chị em đã nghe theo lời quảng cáo tiêm chất làm đầy để nâng mũi, độn cằm, mọng môi hoặc những lời đồn thổi, tư vấn về phương pháp làm đẹp không cần dao kéo, không đau đớn mà lại tự nhiên như thật.

GS-TS Trần Thiết Sơn, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình BV Xanh Pôn (TP. Hà Nội) cho biết, các bác sỹ Hàn Quốc từng công bố 44 trường hợp biến chứng tắc động mạch mắt và tổn thương não do tiêm chất làm đầy trên Tạp chí Nhãn khoa của Hội Y khoa Mỹ. Trong khi đó, nghiên cứu của một bác sỹ ở Mỹ - cũng công bố trên tạp chí này - đã ghi nhận một số bệnh nhân mù vĩnh viễn và tổn thương thị lực vì tiêm các loại chất làm đầy khác nhau vào vùng trán.

Các bác sỹ cũng cảnh báo về những biến chứng thảm khốc như mù vĩnh viễn, hoại tử da mặt, thậm chí là đột quỵ có thể xảy ra đối với người được áp dụng thủ thuật này.

Theo GS-TS Sơn, trước đó, các nhà khoa học từng công bố 3 trường hợp bị mù hoặc mất thị lực gần hoàn toàn do tiêm chất làm đầy để căng da mặt. Cả 3 đều bị tắc động mạch võng mạc trung tâm ngay sau khi tiêm một mũi thuốc. Mũi tiêm thực hiện ở vùng trán - vị trí không được phép dùng thuốc làm đầy.

Filler hay keo da trâu?

Bác sỹ Nguyễn Thanh Thái, Trưởng Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ BV Việt Nam - Cuba, cho biết trong thẩm mỹ, filler là chất làm đầy có hoạt chất sinh học được phép sử dụng, thích ứng với cơ thể. Chất này có tên axít hyalurounic hữu cơ.

Khi vào cơ thể bằng đường tiêm dưới da, filler sẽ thẩm thấu hút nước làm tăng thể tích, từ đó căng đầy bề mặt da, cho làn da bóng, đẹp, xóa nếp nhăn, giúp mọng môi, làm mũi tẹt thành mũi cao, cằm tròn thành cằm dài... Do khả năng có thể “hòa quyện” vào cơ thể nên việc tạo hình bằng filler khá tự nhiên, được nhiều người ưa thích. Tuy nhiên, chất làm đầy tiêm vào cơ thể phải là chất được phép lưu hành, chất lượng bảo đảm, nguồn gốc rõ ràng, đồng thời phải thực hiện tại các cơ sở được cấp phép.

Theo bác sỹ Thái, chất filler có giá thành khá đắt, khoảng 500-1.000 USD (11 triệu đến 22 triệu đồng) cho một chiếc mũi hoặc chiếc cằm như ý, còn nếu dùng để nâng ngực thì có giá khoảng 8.000 USD (gần 180 triệu đồng). Tuy nhiên, chất filler chỉ có “độ bền” trong vòng 2 năm, sau đó nó tự tiêu.

Bác sỹ Thái nhấn mạnh trên thị trường hiện có rất nhiều sản phẩm filler trôi nổi, là hàng nhái, hàng xách tay không rõ nguồn gốc. Các sản phẩm này có giá rẻ nên được một số cơ sở làm đẹp dù không được phép thực hiện dịch vụ vẫn mua về tiêm cho khách hàng. Nguy cơ gây biến chứng từ các chất filler trôi nổi này rất lớn. Thậm chí, cả collagen làm từ da trâu (keo da trâu) cũng được sử dụng tiêm cho người dù các sản phẩm này dễ gây nhiễm trùng.

Giới chuyên môn lưu ý ngay cả khi tiêm các chất làm đầy có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì vẫn có nguy cơ xảy ra biến chứng. Bác sỹ Nguyễn Thanh Thái cho biết khi đưa một chất lạ vào cơ thể thì dù là filler “hàng xịn” cũng sẽ có một tỉ lệ nhỏ bị phản ứng dị ứng. Do đó, khi thấy vùng cơ thể đã tiêm filler bị đau nhức, sưng tấy thì cần đến cơ sở y tế chuyên khoa ngay để được xử trí kịp thời.

Chất filler dỏm, keo da trâu khi đưa vào cơ thể có thể nhanh chóng bị đông cứng, vón cục, tạo thành các u xơ, gây lồi lõm dị dạng ở vùng bị tiêm” - bác sĩ Nguyễn Thanh Thái cảnh báo.

 

Lợi Thanh