Niềm vui của người đàn ông đồng tính tự nhận mình là “sao chổi”

Sức khỏe - Ngày đăng : 16:12, 14/06/2016

Trong vòng hơn 2 năm tôi đi làm thuê cho người ta mà có tới hơn 20 cửa hàng đóng cửa, tôi nghĩ mình là “sao chổi” nên mang lại điều không may. Tôi đã rất nhiều lần có ý định tự tử vì định kiến của gia đình và xã hội về gay”, Lê Sơn tâm sự.

Bi kịch bắt đầu ở tuổi 15

Lê Sơn (sinh năm 1986, ở TP HCM) là con trai trong một gia đình 4 anh em. Sơn là út, rất thích chơi những trò chơi dành cho con gái như may vá, thêu thùa. Sơn đặc biệt thích nấu ăn. Những trò như đá gà, đá bóng, hay chơi kiếm Sơn chẳng bao giờ nghĩ tới.

Dù thấy con trai có phần khác với bạn bè đồng trang lứa, nhưng chưa bao giờ bố mẹ Sơn nghĩ đến việc con trai mình là gay. Riêng phần Sơn, càng lớn Sơn càng nhận ra những điều “bất thường” ở bản thân và Sơn và bắt đầu cảm thấy hoang mang khi nghĩ về chúng.

Niềm vui của người đàn ông đồng tính tự nhận mình là “sao chổi”

Lê Sơn tự nhận mình là "sao chổi" 

Sơn tưởng mình bị thần kinh khi rung động và thích con trai. Trong khi đó, ở độ tuổi 15, các bạn của Sơn ai cũng có cho mình một bóng hồng trong tim. Sơn thì khác, khác hoàn toàn vì bạn Sơn thích con gái, còn Sơn thì chỉ yêu con trai. Sơn lo sợ vì điều đó nhưng không tài nào lý giải được vì vào lại như vậy.

Sơn giấu kín chuyện mình thích con trai, nhưng “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra”, Sơn bị gia đình phát hiện và đánh đập không thương tiếc. Sơn nhớ về trận đòn cách đây hơn chục năm về trước, khi ấy Sơn đang đứng trong nhà tắm, thì bố mẹ cầm roi vọt đánh như đánh một kẻ bệnh hoạn. Những trận đòn của gia đình khiến Sơn sống khép mình và sợ sệt. Sơn tủi thân và Sơn đã nghĩ đến cái chết.

Chưa hết, một thời gian sau đó gia đình bắt Sơn phải nghỉ học văn hóa để đi học nghề cơ khí. Dù đã hết lời van xin nhưng Sơn vẫn phải nghỉ khi đang học lớp 9. Học nghề nửa chừng thì Sơn nghỉ vì thấy không hợp với nghề. Để có tiền, Sơn đi làm thuê, từ nhân viên bán quần áo cho các shop thời trang, phụ quán cà phê, quán cơm, trà sữa cho tới nghề trang điểm… với mức lương từ 1,6 -1,8 triệu đồng/tháng.

Nhưng công việc nào Sơn cũng chỉ làm được khoảng 2 tháng thì cửa hàng đóng cửa. Sơn bảo trong vòng hơn 2 năm, Sơn đi làm thuê cho hơn 20 cửa hàng thì tất cả đều làm ăn thua lỗ rồi phá sản. Sơn nghĩ mình là “sao chổi” nên mới đem đến sự đen đủi như vậy. Sơn không dám đi xin việc ở đâu nữa. Thất nghiệp, Sơn ở nhà, bế tắc chồng lên bế tắc, suy nghĩ tìm đến cái chết thường trực trong đầu Sơn.

“Mẹ đã đồng ý cho tôi lấy chồng”

Trong một lần vô tình Sơn vào trang tin tức dành cho người đồng tính nam và đọc được những kiến thức cũng như chia sẻ về cuộc sống của những người đồng tính. Sơn biết được rằng, trên thế giới này vẫn còn có những người giống như mình.

Sơn lao vào tìm hiểm về đồng tính và khi đã có kiến thức Sơn bắt đầu tự tin, mở rộng mối quan hệ, giao tiếp. Sơn phát hiện ngay trong khu phố mình đang sống cũng có nhiều người là gay. Sơn làm quen, kết bạn và rồi như có nơi trút tâm tình cuộc sống của Sơn không còn gò bó. Sơn tham gia nhiều vào các hoạt động cộng đồng và được Trung tâm Nâng cao chất lượng sống tuyển dụng làm nhân viên.

Công việc đúng với sở thích nên Sơn làm việc khá hiệu quả và được mọi người trong trung tâm yêu thương, tín nhiệm. Trong suốt 7 năm làm việc tại Trung tâm, Sơn nung nấu ý định thành lập một Dự án xét nghiệm HIV miễn phí tại cộng đồng nhắm đến đối tượng nam đồng tính trẻ, nam có quan hệ đồng tính, nam mại dâm, sử dụng chất kích thích như ma túy, người chuyển giới… để giúp họ phòng ngừa cũng như ngăn chặn sự lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Bền bỉ suốt nhiều năm, cho đến tháng 9/2015, Dự án G3VN ra đời với 7 thành viên đầu tiên do Sơn làm trưởng nhóm. Sơn cho biết, sau 6 tháng hoạt động, Dự án G3VN đã xét nghiệm HIV miễn phí cho gần 1.300 đối tượng đích, trong đó có 102 trường hợp dương tính với virus HIV. Sau khi có kết quả sàng lọc ban đầu, G3VN sẽ gắn kết họ với các tổ chức y tế để họ được điều trị sớm nhất.

Sơn cho biết, ngoài xét nghiệm HIV, G3VN còn hướng đến giáo dục văn hóa tình dục cho các bạn trẻ đặc biệt là đối tượng nam đồng tính để các bạn biết cách bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như bạn tình của mình.

Khi có việc làm và thu nhập ổn định, gia đình và những người hàng xóm đã bớt kỳ thị về Sơn. Thời gian dần trôi họ nhìn thấy, và ghi nhận ý nghĩa mà công việc Sơn đem lại, rồi dân dần sự kỳ thị đã biến thành tình cảm yêu quý Sơn. Hiện, bà ngoại Sơn vẫn hỏi Sơn bao giờ  lấy vợ để bà ăn cỗ, mẹ Sơn thì từ lâu đã chấp nhận con người hiện tại của Sơn. Sơn vui mừng nói: “Mẹ đã đồng ý cho tôi lấy chồng”.

Hoài Đan