Những sai lầm phổ biến của các bà nội trợ khiến bát "bẩn" hơn sau khi rửa
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:51, 28/05/2016
Đổ trực tiếp nước rửa chén lên bát đĩa
Nhiều người nghĩ rằng việc đổ trực tiếp nước rửa lên bát đĩa sẽ giúp chúng được vệ sinh sạch sẽ hơn. Tuy nhiên, việc đổ quá nhiều nước rửa bát trực tiếp lên bát đĩa sẽ khiến hóa chất bám nhiều hơn trên bề mặt và chúng ta khó mà rửa sạch được.
Sử dụng quá nhiều nước rửa bát
Đây là sai lầm khi rửa bát khá phổ biến ở nhiều gia đình bởi suy nghĩ sử dụng nhiều nước rửa chén thì bát đĩa sẽ sạch hơn. Việc làm này khiến hoá chất bám vào bát đĩa và sót lại nếu chúng ta không rửa kỹ và nhiều lần.
Ngâm bát đĩa lâu trong nước xà phòng
Nhiều bà nội trợ khi thấy xoong, nồi bị bám két do thức ăn cháy liền ngay lập tức ngâm trong dung dịch nước rửa bát pha loãng. Cách làm này khiến hóa chất ngấm sâu vào trong bề mặt xoong nồi, đặc biệt là là đũa hoặc các dụng cụ bằng gỗ.
Dùng nước rửa bát để rửa các dụng cụ bị sứt mẻ
Với những chiếc bát hoặc đĩa bị sứt mẻ, bạn không nên dùng hóa chất để rửa bởi trên bề mặt không được bằng phẳng, dung dịch hóa chất rất dễ bám lại trên đó và khiến chúng ta khó lòng mà rửa sạch triệt để. Cách tốt nhất với những chiếc chén, bát đã bị sứt thì nên sử dụng nước nóng để rửa.
Dùng xà phòng/bột giặt để rửa chén
Hầu hết thành phần chất hóa học được sử dụng trong xà phòng đều mang độc tính nhiều hơn nước rửa chén, thậm chí còn có một số hóa chất gây ung thư. Khi dùng bột giặt để rửa dụng cụ đựng thức ăn, các hóa chất có thể sót lại trong quá trình rửa và tráng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra bệnh viêm gan, dạ dày, túi mật, làm giảm khả năng đề kháng của cơ thể...
Ngoài những việc làm trên thì sử dụng nước rửa chén không rõ nguồn gốc, không đeo găng tay khi rửa bát, lạm dụng máy rửa bát cũng là những việc làm khiến chén bát không những không sạch mà còn gây hại cho sức khỏe.