48% người Việt đối mặt với nguy cơ bị đột tử
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:10, 14/05/2016
GS.TS. Nguyễn Lân Việt, Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Giám đốc Chương trình Quốc gia phòng chống tăng huyết áp
Sáng 14/5, tại Hà Nội, Hội tim mạch học Việt Nam và Phân hội tăng huyết áp Việt Nam tổ chức họp báo giới thiệu chính thức thông tin về Hội nghị Tăng huyết áp Việt Nam lần thứ II với chủ đề “Tiếp cận đa ngành với Tăng huyết áp”.
Tại đây, Hội tim mạch học Việt Nam đã công bố có gần 48% người Việt Nam bị mắc bệnh tăng huyết áp, trong đó có 39% người bị tăng huyết áp không được điều trị. Đáng chú ý là tỷ lệ người tăng huyết áp ngày càng tăng và tuổi bị mắc mới cũng ngày một trẻ hóa.
Vào năm 2000, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), toàn thế giới có tới 972 triệu người bị tăng huyết áp và con số này được ước tính là vào khoảng 15,6 tỷ người vào năm 2025. Hiện nay, trung bình 10 trưởng thành thì có 4 người bị tăng huyết áp.
Theo WHO, mỗi năm có 17,5 triệu người chết về các bệnh tim mạch trên Thế giới, nhiều hơn gấp 4 lần 3 bệnh lý là HIV/AIDS, sốt rét và lao phổi. Trong đó, bệnh nhân tử vong vì tăng huyết áp và biến chứng của tăng huyết áp trên 7 triệu người.
Tại Việt Nam, năm 2000 có khoảng 16,3% người lớn bị tăng huyết áp, đến năm 2009 tỷ lệ tăng huyết áp ở người lớn là 25,4% và năm 2016 tỷ lệ người lớn bị tăng huyết áp đang ở mức báo động là 48%, một mức báo động đỏ ở trong thời điểm hiện tại.
GS.TS Nguyễn Lân Việt nhấn mạnh, hầu hết người cao huyết áp không có triệu chứng lâm sàng, một số ít biểu hiện triệu chứng như chóng mặt, đau đầu, ù tai,…Do nhiều người không biết mình bị bệnh tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp mà không được điều trị, dẫn đến đột tử nhưng trước đó 1-2 phút họ vẫn cảm thấy mình khỏe mạnh.
“Tăng huyết áp là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu và dẫn đến cái chết của hàng triệu người mỗi năm, đồng thời là nguyên nhân gây suy tim, đột quỵ não và là nguyên nhân hàng thứ hai gây nhồi máu cơ tim cấp”, GS.TS Nguyễn Lân Việt khẳng định.
Để phòng ngừa cũng như hạn chế tác hại từ căn bệnh tăng huyết áp, GS.TS Nguyễn Lân Việt khuyến cáo, mọi người nên nhớ con số huyết áp của mình như nhớ tuổi. Bên cạnh đó cần có chế độ dinh dưỡng như không ăn mặn, giảm bớt thực phẩm có axit béo, mỡ động vật, gan, não, trứng, hạn chế rượu bia, giảm cân với người béo phì…