Trẻ có thể bị tử vong khi đánh tưa lưỡi bằng mật ong
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:04, 08/04/2016
Mật ong là thực phẩm rất bổ dưỡng vì có chứa nhiều vitamin, đường glucoza, đường fructoza, nhiều loại axit hữu cơ và các nguyên tố vi lượng có ích cho sức khỏe.
Từ lâu, mật ong đã được xem là phương thuốc phổ biến giúp điều trị hàng loạt các chứng bệnh khác nhau. Nó được xem như là “liều thuốc” tự nhiên khá hữu hiệu trong việc giảm ho, đau họng mà không kèm theo tác dụng phụ nào như một số loại thuốc ho thông thường.
Một số người cho rằng, thêm chút mật ong vào trong sữa hoặc ăn một lượng mật ong hằng ngày sẽ làm tăng dinh dưỡng cho trẻ, giúp trẻ tiêu hóa tốt.Thậm chí nhiều bà mẹ còn dùng mật ong để làm sạch miệng cho trẻ khi vừa sinh ra.
Tuy mật ong có nhiều lợi ích nhưng bạn đừng dựa vào đó mà nghĩ rằng mật ong cũng tốt cho trẻ nhỏ thì đó là một điều sai lầm. Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi, do hệ tiêu hóa của bé chưa được hoàn thiện một cách đầy đủ cho nên mật ong có thể gây ngộ độc botulism – độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum.
Khoa học hiện đại chứng minh, đánh tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng mật ong là rất nguy hiểm
Nhiều bà mẹ khi phát hiện trên lưỡi con mình xuất hiện những đốm trắng, dân gian thường gọi là bệnh tưa lưỡi. Nghe nhiều người mách lấy mật ong tẩm vào khăn rồi đánh lưỡi cho con thì sẽ hết. Tuy nhiên, đã có không ít trường hợp các bé sau khi chữa tưa lưỡi bằng mật ong đã lên cơn co giật. Nhiều trẻ nặng hơn đã bị liệt cơ cũng do mẹ bé thường xuyên đánh tưa lưỡi bằng mật ong.
Trong mật ong có chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. Nguyên nhân khiến mật ong bị nhiễm bẩn chưa rõ. Có giả thuyết cho rằng loài vật này bị dính bào tử C từ bụi đất hoặc những thứ khác ở môi trường xung quanh và mang chúng về tổ của mình.
Vi khuẩn này sau khi được đưa vào cơ thể dễ sinh sôi và sản sinh ra độc tố trong đường ruột, gây trúng độc thức ăn. Trẻ trúng độc bị táo bón kéo dài 1-3 tuần, nặng hơn sẽ xuất hiện chứng bại liệt, tiếng khóc yếu, trẻ mút sữa yếu và hô hấp khó khăn. Độc tố botulium còn tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt, thậm chí tử vong.
Người lớn nuốt phải bào tử clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh bởi hệ tiêu hoá của họ đã trưởng thành, đủ khả năng vô hiệu hoá chúng. Trong khi đó, ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng. Vì vậy, không được dùng mật ong cũng như đánh tưa lưỡi bằng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng).
Để phòng ngừa và làm sạch tưa lưỡi cho trẻ các bậc phụ huynh cần lưu ý những điểm sau:
Tưa lưỡi theo y khoa là nấm lưỡi, do loại nấm có tên khoa học là candida albicans gây ra. Những trẻ sinh thiếu tháng hoặc do môi trường âm đạo của người mẹ trong quá trình mang thai bị viêm nhiễm có nguy cơ mắc tưa cao hơn.
Theo kinh nghiệm dân gian, đánh tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh bằng mật ong là không sai, có hiệu quả nhất định bởi mật ong có khả năng làm mềm da và có khả năng sát trùng, do đó dùng mật ong có thể đánh tan tưa lưỡi cho bé một cách dịu nhẹ. Hơn nữa mật ong lại có vị ngọt nên khi đánh tưa lưỡi cho bé sẽ ít bị nôn trớ hơn các loại khác.
Để phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ, các mẹ nên cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, khi cho trẻ bú sữa xong phải rửa bình thật sạch
Nhưng khoa học hiện đại chứng minh phương pháp này nguy hiểm với trẻ nhỏ. Thay vào đó, để phòng bệnh nấm lưỡi ở trẻ, các mẹ nên cho trẻ ăn uống hợp vệ sinh, khi cho trẻ bú sữa xong, phải rửa bình thật sạch. Tráng lại bình sữa bằng nước sôi trước khi pha sữa cho trẻ để khử trùng.
Ngoài ra, các bà mẹ đang trong giai đoạn cho con bú nên giữ vệ sinh cá nhân tốt, vệ sinh vú mẹ mỗi ngày.
Khi trẻ bị tưa lưỡi, các mẹ không nên cạy những chấm trắng trên lưỡi trẻ vì sẽ gây chảy máu, dẫn đến nhiễm trùng. Nên dùng gạc thấm nước muối sinh lý xoa lên lưỡi bé.
Do đây là bệnh dễ tái phát nên sau khi hết triệu chứng vẫn phải tiếp tục đánh tưa lưỡi cho trẻ với nước muối sinh lý loại 0,9% hai ngày/lần. Sau khi đánh tưa cho trẻ xong không nên cho trẻ bú ngay, mà nên chờ ít nhất 20 phút mới cho trẻ bú hoặc ăn. Nếu trẻ bị tưa nặng nên đưa đến khám để được tư vấn cách dùng thuốc đặc trị nấm.