Ăn thịt lợn nấu chưa chín, dễ bị sán dải heo tấn công
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:14, 01/04/2016
Cậu bé 15 tuổi suýt chết vì sán dải heo
Ngày 31/3, truyền thông trong nước đưa tin dồn dập về trường hợp bé trai A.L.H (15 tuổi, ngụ Kon Tum) bị sán dải heo 5cm làm tổ trong não. Tổ sán này đã khiến cậu bé rơi vào tình trạng dinh dưỡng nặng, nhức đầu kinh niên và chứng suy giảm miễn dịch bẩm sinh, nguy kịch đến tính mạng. Sau khi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bé H. đã được chụp chiếu và làm các xét nghiệm.
Hình ảnh sán làm tổ trong não người
Kết quả chụp MRI cho thấy có khối bướu đường kính hơn 5cm trong não. Bác sĩ Phan Minh Trí, Khoa Ngoại tổng hợp, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhi, cho biết 15 tuổi mà bé chỉ cao 1,2m, nặng 20 kg. Do tình trạng suy dinh dưỡng nặng, thể trạng quá yếu nên không cho phép tiến hành cuộc mổ quá lớn, chưa thể phẫu thuật ngay.
Tuy nhiên nếu không được phẫu thuật, tính mạng của cháu bé có thể bị đe dọa”, các bác sĩ đã áp dụng nhiều biện pháp giúp bé tăng cường thể lực, có đủ sức khỏe để đáp ứng với ca mổ.
Ca mổ diễn ra hơn 5 giờ do các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhân dân 115 phối hợp thực hiện. Khối bướu được lấy ra là một tổ sán dải heo, có đường kính hơn 5cm, bên trong chứa dịch, rất nhiều khe và ấu trùng sán. Hiện tại, sức khỏe bé đã phục hồi tốt sau phẫu thuật.
Các bác sĩ ở viện Nhi đồng 1 nhận định, nguyên nhân bé bị sán dải heo tấn công có thể là do sán này có nhiều trong chất thải heo, khi nhập vào nguồn nước và không được nấu kỹ sẽ dễ dàng xâm nhập vào máu và lên não. Ngoài ra, các trường hợp ăn thịt heo không nấu chín cũng dễ bị sán xâm nhập vào cơ thể.
Ký sinh trùng có nhiều thể bệnh. Tùy từng loại mà khi người ăn phải trứng của nó thì trong vòng 24 - 72 tiếng sau, ký sinh trùng đó có thể đi đến các cơ và não. Tùy vào nơi sán cư trú mà người nhiễm có các biểu hiện khác nhau. “Cách phòng ngừa nhiễm sán, ký sinh trùng tốt nhất là ăn chín, uống nước đun sôi để nguội”, bác sĩ Hiếu cảnh báo.
Ăn nem thính bị sán lợn làm tổ trong não
Trước đó, ông N.H.C (59 tuổi) ở Tiên Lãng, Hải Phòng đã được các bác sĩ ở Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cứu sống khi phát hiện ấu trùng sán làm tổ ở não. Ông C. cho biết có thói quen ăn nem thính làm từ thịt nạc sống.
Mắt và não là hai nơi dễ bị tán dải lợn tấn công nhất
Ông C. đến Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương khi không đi lại được, nôn nhiều, gia đình nghi bị u não. Chụp phim các bác sĩ phát hiện rất nhiều nang sán ở trên não.
Ông C. cho biết, từ năm 2007, ông bị đau đầu nên phải đi viện khám. Chẩn đoán ban đầu ông bị rối loạn tiền đình nhưng càng ngày ông càng đau đầu dữ dội. Đến năm 2012, chân phải ông không đi được, hay buồn nôn, ăn gì nôn đấy. Thậm chí, uống nước cũng nôn, người gầy sút cân. Bác sĩ nghi nghờ ông bị u não.
Ông đến Viện Sốt rét-ký sinh trùng-côn trùng Trung ương khám thì biết mình bị nhiễm ấu trùng sán lợn. Ấu trùng làm tổ trong não đè vào dây thần kinh thăng bằng nên ông hay chóng mặt, đau đầu. Ông được điều trị từ năm 2012 đến nay.
Các bác sĩ tại Viện Sốt rét- Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương cho biết, ấu trùng sán lợn (còn gọi là bệnh lợn gạo/bệnh sán não/ bệnh nang sán do nang sán dây lợn Taenia solium) gây ra trên người.
Bệnh ấu trùng sán lợn là một bệnh nhiễm ký sinh trùng gây ra bởi các mô nang ấu trùng của sán dây Taenia solium. Những nang ấu trùng nhiễm vào não, cơ, hoặc các mô khác và là nguyên nhân chính của cơn động kinh.
Theo TS. BS Nguyễn Thu Hương, Phó khoa Ký sinh trùng, Viện Sốt rét – ký sinh trùng – côn trùng Trung ương, nhiễm sán dây ở người xảy ra do nấu chưa chín thịt lợn. Ngoài ra, đường lây lan thường xảy ra thông qua thức ăn nhiễm bẩn trên bàn tay người, và có thể do ăn các loại trái cây hoặc rau quả được tưới bởi phân người nhiễm bệnh.
Các vị trí của nang sán hay bắt gặp trên cơ thể người là não và mắt. Với các bệnh nhân nặng có thể gây nên các biểu hiện bệnh lý não với sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, thay đổi tri giác, động kinh.
Các bác sĩ khuyến cáo, mọi người không nên ăn tiết canh lợn, thịt lợn chưa được nấu chín. Cần vệ sinh tay chân trước khi ăn để tránh ăn phải trứng sán lợn.