Quốc hội thảo luận dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án
Chính trị - Ngày đăng : 08:09, 26/11/2019
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Lực lượng dự bị động viên;
Luật Chứng khoán (sửa đổi);
Nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước;
Nghị quyết về khoanh tiền nợ thuế, xóa tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước;
Nghị quyết phê chuẩn chủ trương đầu tư Dự án hồ chứa nước Ka Pet, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận.
Phiên họp ngày 25/11/2019, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV
Trước đó ngày 25/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 26 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Buổi sáng
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu và tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Để góp phần hoàn thiện dự án Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về tên gọi, quan điểm chỉ đạo và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật; về tổ chức giám định tư pháp công lập; về trưng cầu giám định và tiếp nhận trưng cầu giám định; về thời hạn giám định; về kết luận giám định; về xử lý vi phạm trong hoạt động giám định tư pháp; về nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực giám định tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước; về kinh phí giám định tư pháp; về áp dụng quy định trưng cầu giám định của cơ quan thanh tra; về bảo vệ người giám định tư pháp; tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; quyền và trách nhiệm của cơ quan trưng cầu và cá nhân, tổ chức được trưng cầu; áp dụng quy định của dự án luật đối với yêu cầu thanh tra khi thực hiện một số quy định của Luật Thanh tra, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, với tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu Quốc hội đã tham gia thảo luận sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm về dự thảo Luật.
Về cơ bản các đại biểu Quốc hội đã nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp các cơ quan chức năng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua.
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Quốc hội nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình về dự kiến nhân sự để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Buổi chiều
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ; Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau: có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.75%); trong đó, có 427 đại biểu tán thành (bằng 88.41%).
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau: Về Khoản 2 của Điều 1, quy định về hình thức và giá trị sử dụng của thị thực, đã có 449 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.967%); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91.72%). Về Khoản 7 của Điều 1, bổ sung khoản 3a vào sau khoản 3 Điều 12, đã có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.34%); trong đó, có 386 đại biểu tán thành (bằng 79.92%). Về toàn bộ dự thảo Luật, có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.34%); trong đó, có 404 đại biểu tán thành (bằng 83.64%).
Tiếp theo chương trình, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau: Về Khoản 1 của Điều 1, quy định khái niệm “công chức”, đã có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.347%); trong đó, có 423 đại biểu tán thành (bằng 87.58%). Về Khoản 5 của Điều 1, quy định về phương thức tuyển dụng công chức, đã có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.34%); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90.27%). Về Khoản 2 của Điều 2, quy định các loại hợp đồng làm việc, đã có 443 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.72%); trong đó, có 424 đại biểu tán thành (bằng 87.78%). Về toàn bộ dự thảo Luật, có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94.00%); trong đó, có 426 đại biểu tán thành (bằng 88.20%).
Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.
Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách đề bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV bằng hệ thống biểu quyết điện tử. Tiếp đó, Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV; Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 442 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 91.51%); trong đó, có 439 đại biểu tán thành (bằng 90.89%).
Sau đó, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến danh sách để bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; Quốc hội biểu quyết thông qua danh sách để bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử; Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín. Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Hoàng Thanh Tùng. Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả như sau: có 433 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89.65%); trong đó, có 430 đại biểu tán thành (bằng 89.03%).