Những điều không thể bỏ qua về virus Zika
Sức khỏe - Ngày đăng : 09:39, 24/03/2016
Trong 59 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận sự lưu hành vi rút Zika, trong đó có một số quốc gia khu vực như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia,...Trước sự lây lan chóng mặt và sự gia tăng các ca dị tật bẩm sinh tại Nam Mỹ bị nghi ngờ do virus Zika gây ra Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải nhiều lần nhóm họp và ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
Phát biểu trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp tại Geneva, Thuỵ Sĩ ngày 1/2, Tổng giám đốc WHO Margaret Chan cho biết các chuyên gia đã thống nhất về "khả năng liên quan giữa hiện tượng nhiễm virus Zika trong khi mang thai và não nhỏ bất thường ở trẻ sơ sinh, dù chưa được chứng minh một cách khoa học".
Virus Zika là gì?
Virus Zika đang trở thành mối đe dọa toàn cầu
Virus Zika (ZIKV) là một virus RNA (arbovirus) thuộc chi Flavivirus, họ Flaviviridae, được lây truyền chủ yếu qua vết cắn của muỗi Aedes bị nhiễm. Tên của virus lấy tên của khu rừng Zika, gần hồ Victoria ở Uganda, nơi đã được tìm thấy đầu tiên vào năm 1947.
Virus Zika thường được dung nạp tốt. Nó không có triệu chứng điển hình và tương tự như một dạng nhẹ của bệnh sốt xuất huyết, bệnh sốt vàng da và bệnh West Nile được gây ra từ các flavivirus khác. Virus này có thể gây ra một hội chứng tương tự khác arboviruses với sốt, phát ban, đau đầu và đau khớp, giới hạn vận động. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể liên quan với nguy cơ của hội chứng Guillain-Barré ở bệnh nhân cũng như bệnh đầu nhỏ trong bào thai của người phụ nữ mang thai.
Virus Zika được xác định qua phát hiện bộ gen bằng PCR. Không có phương pháp điều trị cụ thể, chủ yếu là trị triệu chứng bằng cách nghỉ ngơi. Hiện tại chưa có vắc xin phòng ngừa chính thức, nên phòng bệnh chủ yếu dựa vào các biện pháp chống lại việc truyền bệnh qua muỗi.
Virus Zika lần đầu tiên xuất hiện ở đâu ?
Virus Zika đã có mặt ở khu vực nhiệt đới của châu Á và châu Phi từ năm 1950. Virus này được coi là mới nổi, chịu trách nhiệm cho một số dịch bệnh: năm 2007 trên đảo Yap, liên bang Micronesia, sau đó lan về phía đông qua Thái Bình Dương đến Polynesia thuộc Pháp, tiếp đến đảo Phục Sinh; đến 2015 qua Trung Mỹ, vùng Caribbean, và Nam Mỹ, nơi sốt Zika đã đạt đến cấp đại dịch.Các trường hợp đầu tiên được phát hiện ở Brazil; quốc gia này đang bị ảnh hưởng nặng nhất với hơn 1.500.000 trường hợp (0,72% dân số Brazil).
Vào ngày 1 tháng 2 năm 2016, Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu về virus Zika, sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về dịch tễ học, y tế công cộng, bệnh truyền nhiễm từ khắp thế giới tại một cuộc họp của Ủy ban khẩn cấp y tế quốc tế thuộc WHO.
Đến ngày 23 tháng 3, WHO ra thông báo, virus Zika đã lây lan tới 59 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với 130 nước có loài muỗi Aedes mang loại virus này, khiến nguy cơ virus Zika lan rộng là rất lớn. Tổ chức này cảnh báo dịch Zika có thể diễn biến tồi tệ hơn trước khi được kiểm soát và khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp chống muỗi và tránh bị muỗi đốt.
Virus zika nguy hiểm như thế nào?
Virus Zika do muỗi lây truyền và được tìm thấy trong những loài muỗi gây các bệnh sốt xuất huyết, nên có thể ai đó sẽ nhầm tưởng là một dạng sốt xuất huyết. Nhưng không phải!
Như chúng ta đã biết, sốt xuất huyết là một nhóm các bệnh gây ra bởi nhiều loài virus khác nhau, trong đó virus Dengue chính là loại chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam.
Nhiều loại virus gây ra các loại sốt xuất huyết khác trên thế giới mà chúng ta đã từng nghe đến như: sốt vàng da (do virus Amaril), Ebola (do virus Ebola)...
Loại virus gây sốt xuất huyết Dengue hay sốt vàng da (kể cả một căn bệnh cực nguy hiểm khác do virus West Nile gây ra)... đều được lây truyền bởi một số loài muỗi trong chi Aedes.
Đặc biệt trong đó là loài Aedes Aegypti mà chúng ta vẫn được biết đến với tên gọi là muỗi vằn. Loài muỗi này nguy hiểm ở chỗ, nó sinh trưởng rất mạnh, bất kể trong những môi trường nước bé nhỏ như nắp chai lọ. Nó đốt người vào buổi sáng và chiều tối, chứ không đốt về đêm.
Một loài khác trong chi Aedes, là loài Aedes Albopictus ở châu Á, cũng được cho là 1 nguyên nhân lan truyền virus Zika, nhưng chưa có bằng chứng thật rõ ràng. Loài muỗi này cũng có tại New York và Chicago, Mỹ vào mùa hè.
Mặc dù Zika được xác định là lây truyền chủ yếu do muỗi vằn đốt, nhưng theo The New York Times, cũng đã có báo cáo cho thấy Zika có thể lây lan khi truyền máu hay quan hệ tình dục. Đã có trường hợp tìm thấy virus Zika trong tinh dịch.
Virus Zika liên quan như thế nào với chứng đầu nhỏ?
Mỗi năm, Brazil 4.000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ
Các nhà khoa học hiện vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế gây ảnh hưởng đến não của virus Zika. Giả thuyết Zika gây ra bệnh đầu nhỏ (microcephaly) với biểu hiện là đầu nhỏ hơn bình thường và não bị tổn thương đã nổi lên vào tháng 10 năm ngoái, khi các bác sỹ ở Brazil phát hiện số lượng trẻ em mắc bệnh này tăng bất thường.
Cũng có thể những trẻ mắc bệnh đã đồng thời nhiễm những virus khác ngoài Zika và loại virus này không phải nguyên nhân gây bệnh chính. Tuy nhiên những bằng chứng có được đến thời điểm này phủ nhận nhận định này.
Con số trẻ em mắc bệnh đầu nhỏ từ khi dịch Zika bùng phát tại Brazil cũng chưa rõ ràng. Mỗi năm có khoảng 3 triệu em bé được sinh ra ở Brazil, và có khoảng 150 trẻ bị bệnh đầu nhỏ. Chính phủ Brazil cho biết hiện nước này đang có tới 4.000 trường hợp trẻ sơ sinh mắc bệnh đầu nhỏ.
Phụ nữ cần làm gì để bảo vệ mình trước virus Zika?
Virus Zika gây bệnh đầu nhỏ đang tăng trên thế giới
Ngày 10/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra một số khuyến cáo đối với phụ nữ và phụ nữ mang thai trong bối cảnh dịch bệnh do virus Zika gây bệnh đầu nhỏ đang tăng trên thế giới.
WHO không khuyến cáo các biện pháp nhằm hạn chế sự đi lại đến các khu vực có virus Zika. Phụ nữ đang mang thai và dự định có thai phải tự quyết định trên cơ sở nguy cơ nhiễm virus Zika. Trong trường hợp cụ thể, nên:
- Tìm hiểu thông tin về virus Zika và các bệnh do muỗi truyền.
- Tự bảo vệ không để muỗi đốt.
- Tư vấn bác sĩ hoặc cán bộ y tế nếu đến các khu vực các virus Zika.
- Thông báo về kế hoạch đi lại trong khi kiểm tra thai kỳ.
- Tư vấn cán bộ y tế về việc theo dõi chặt chẽ tình trạng thai khi trở về từ vùng có virus Zika.
Trẻ mới sinh có cần xét nghiệm virut Zika không?
Theo các chuyên gia, nếu người mẹ đã tới thăm hay sống tại quốc gia có virus và xét nghiệm của người mẹ là dương tính hay trung tính thì trẻ mới sinh cũng cần xét nghiệm.
Nguyên nhân là do virus Zika không chỉ gây nên tật đầu nhỏ mà còn có thể ảnh hưởng tới khả năng nghe nhìn cũng như các vấn đề bất thường khác của trẻ.
Khuyến cáo này áp dụng cho trẻ có mẹ gặp các triệu chứng của Zika như phát ban, đau khớp, mắt đỏ, sốt trong quá trình sống hay trong 2 tuần trở về từ các quốc gia có virus.
Virus Zika mối nguy hiểm toàn cầu
Về mặt sinh học muỗi truyền virus Zika không thể bay quá 400m nhưng nó có thể đến các quốc gia thông qua đường hàng không.
Muỗi Aedes có thể di chuyển từ quốc gia này đến quốc gia khác hay từ vùng này đến vùng khác được không? Đây là câu hỏi nhiều người băn khoăn. Mới đây Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, muỗi Aedes có khả năng bay yếu; nó không thể bay quá 400 mét. Nhưng nó có thể vô tình được vận chuyển bởi con người từ nơi này đến nơi khác (ví dụ ở phía sau xe, cây cối). Nếu nó có thể tồn tại trong môi trường nhiệt độ của điểm đến, về mặt lý thuyết nó có thể tự sinh sản và truyền virus Zika tới các khu vực mới.
Hơn hết, cảnh báo gần đây của Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) còn cho biết, virus có khả năng lây từ người sang người qua đường tình dục, mặc dù tỷ lệ là rất nhỏ. Mới đây nhất Tây Ban Nha đã xác nhận trường hợp một người phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, đây là trường hợp mang thai đầu tiên ở châu Âu nhiễm virus Zika.
Ba con đường lây nhiễm chính của virus Zika
Sơ đồ giám sát dịch bệnh Zika tại cửa khẩu
1. Đường muỗi đốt
Tiến sĩ Tom Frieden, Giám đốc CDC cho biết muỗi Aedes, loài mang virus Zika, có thể hút máu được 4-5 người trong cùng một bữa ăn, có nghĩa là nó có thể lây lan dịch bệnh nhanh chóng.
Đến nay ở Mỹ, các quan chức y tế địa phương báo cáo có ít nhất 79 trường hợp nhiễm virus Zika khi du lịch, nghĩa là những người đó đã đến những vùng bệnh, bị nhiễm và phát bệnh ngay sau khi trở về nhà.
2. Quan hệ tình dục
Các cơ sở y tế trên thế giới đã ghi nhận một số trường hợp lây truyền virus Zika qua đường tình dục, trong đó có một người ở Texas, Mỹ. Theo báo cáo, người này bị nhiễm virus sau khi quan hệ với một người bệnh vừa trở về từ Venezuela, nơi virus Zika đang bùng phát.
Theo Trung tâm Phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ, virus Zika có thể tồn tại trong tinh dịch của nam giới 10 tuần sau khi bệnh khởi phát. Một số người nhiễm bệnh nhưng lại không có biểu hiện sẽ truyền virus cho các đối tác tình dục.
Vì vậy, CDC khuyến cáo những người đàn ông sống hoặc du lịch tới khu vực bị ảnh hưởng bởi virus Zika nên tránh sinh hoạt tình dục, hoặc sử dụng các biện pháp phòng tránh như bao cao su, đặc biệt với phụ nữ mang thai để bảo vệ thai nhi.
3. Truyền máu
Đầu tháng 2, các quan chức y tế Brazil đã xác nhân 2 trường hợp nhiễm bệnh qua đường truyền máu từ người mang virus Zika
Các chuyên gia khuyến cáo việc hiến máu và truyền máu cần được đảm bảo và xét nghiệm virus cẩn thận. Tại Mỹ, các ngân hàng máu lớn, bao gồm cả Hội chữ thập đỏ Mỹ, đã yêu cầu người dân không nên hiến máu nếu họ vừa tới Mexico, vùng Caribbean, Nam hay Trung Mỹ trong vòng 28 ngày.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng phát hiện virus Zika có thể được tìm thấy trong sữa mẹ, nước bọt và nước tiểu. Tuy nhiên, tại thời điểm này vẫn chưa xảy ra trường hợp nào nhiễm virus qua các con đường này.
Các biểu hiện lâm sàng của vi rút Zika
Các dấu hiệu và triệu chứng của vi rút Zika khá mơ hồ và có thể kéo dài tới một tuần. Chẩn đoán vi rút thường được khẳng định bằng xét nghiệm máu:
Các triệu chứng của vi rút Zika gồm:
Sốt
Phát ban
Đau khớp
Viêm kết mạc (đau mắt đỏ)
Đau cơ
Đau đầu
Đau phía sau mắt
Nôn
Theo Tổ chức Y tế Bắc Mỹ (PAHO ), chỉ có1/4 số người nhiễm vi rút có triệu chứng
Điều trị vi rút Zika
Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ cho biết hiện không có thuốc điều trị vi rút.
Tuy nhiên, CDC khuyến cáo các biện pháp sau đây cho những người bị nhiễm vi rút:
Nghỉ ngơi Tăng lượng nước để phòng mất nước Đau và giảm sốt bằng các thuốc như acetaminophen hoặc paracetamol.
Do nguy cơ xuất huyết, CDC khuyến cáo không dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid khác cho đến khi loại trừ được chẩn đoán bệnh sốt xuất huyết.
Bộ Y tế đã làm gì để phòng chống virus Zika
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định khả năng virus Zika vào Việt Nam hoàn toàn có thể xảy ra, kéo theo nhiều vấn đề khó khăn do triệu chứng nhiễm virus Zika rất giống các bệnh dịch khác, đặc biệt là sốt xuất huyết (đều có biểu hiệu sốt, đau cơ, mỏi người) trong đó 80% dấu hiệu không đặc trưng nên rất khó phát hiện. Cộng đồng Việt Nam hiện chưa có miễn dịch cũng như vắc xin phòng dịch đối với virus này.
Đặc biệt, Bộ Y tế nhận định, khi virus Zika thâm nhập vào Việt Nam, khả năng lây lan ở mức độ rộng sẽ xảy ra vì hiện nay sốt xuất huyết đã là dịch, chỉ cần thêm một mầm bệnh khác tình hình sẽ khó kiểm soát.
Trước tình hình dịch do virus Zika diễn biến phức tạp, lây lan nhanh tại nhiều nước trên thế giới, Bộ Y tế thường xuyên liên hệ với Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam để nắm tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, đồng thời đã có văn bản chỉ đạo các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur tiến hành giám sát và xét nghiệm xác định sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam.
Một người Australia nhiễm virus Zika sau khi rời Việt Nam, Bộ Y tế nâng mức cảnh báo
Bộ Y tế công bố đường dây nóng trong công tác phòng chống virus Zika
Ngày 23/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Australia đã phát hiện một trường hợp nhiễm virus Zika sau khi trở về nước từ Việt Nam.
Ngay sau khi nhận được thông báo, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do virus Zika. Trường hợp này đến Việt Nam từ ngày 26/02/2016 và xuất cảnh về Úc ngày 06/3/2016; đến ngày 08/3/2016 có biểu hiện triệu chứng nhiễm vi rút Zika như sốt, phát ban, đau đầu, đau cơ, viêm kết mạc, buồn nôn. Trong thời gian ở Việt Nam, trường hợp này đã đi đến TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa và Bình Thuận.
Ngay sau khi nhận được thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO, Bộ Y tế đã thành lập Đoàn công tác do Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn và Lãnh đạo các đơn vị liên quan của Bộ Y tế đến các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận để làm việc với Ủy ban nhân dân và các Sở, ban, ngành liên quan để trực tiếp chỉ đạo công tác giám sát, xác minh và triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Trên cơ sở kiểm tra thực tế tại các địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đã chỉ đạo ngành Y tế nâng mức cảnh báo đối với phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika tại Việt Nam và yêu cầu các đơn vị y tế tăng cường việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp có triệu chứng tương tự như nhiễm vi rút Zika tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng do có thể có trường hợp nhiễm vi rút có biểu hiện nhẹ, vừa hoặc không có triệu chứng; đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng dẫn người dân tự diệt muỗi, bọ gậy để phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết.
Do chưa có đầy đủ thông tin từ Cơ quan đầu mối của WHO và Australia về trường hợp người Australia trong thời gian lưu trú tại Việt Nam cũng như chưa loại trừ được các khả năng nhiễm vi rút Zika trước khi đến và sau khi rời Việt Nam của trường hợp này, Bộ Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Cơ quan đầu mối của WHO và Cơ quan đầu mối của Australia để làm rõ các thông tin liên quan, triển khai giám sát và xác minh để khẳng định sự lưu hành vi rút Zika tại Việt Nam.
Các biện pháp phòng tránh Virus Zika
Để chủ động phòng chống bệnh do virus ZIKA xâm nhập và lây lan tại nước ta, Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau:
Người nhập cảnh về từ các quốc gia có lưu hành virus Zika chủ động tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày, nếu có biểu hiện sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi để phòng, chống dịch.