Các giai đoạn phát triển của ung thư dạ dày
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:43, 22/03/2016
Ung thư dạ dày có thể phát triển dọc theo thành dạ dày vào thực quản hoặc ruột non, cũng có thể lan rộng xuyên qua thành dạ dày, lan sang các hạch huyết lân cận, sang các cơ quan như gan, tuyến tụy, đại tràng, phổi, các hạch thượng đòn và buồng trứng.
Để chẩn đoán xem ung thư dạ dày đã di căn hay chưa, người ta chụp phổi, siêu âm bụng hoặc chụp cắt lớp. Nếu thấy các khối u mới ở phổi, gan hoặc hạch thì chứng tỏ ung thư dạ dày đã di căn.
5 giai đoạn phát triển của bệnh ung thư dạ dày
Các giai đoạn phát triển của ung thư dạ dày
Ở giai đoạn 0, bệnh nhân không có nhiều biểu hiện bất thường, rất khó được phát hiện. Tại thời điểm này, tế bào ung thư mới xuất hiện ở niêm mạc bên trong, còn gọi là ung thư biểu mô.
Chuyển sang giai đoạn 1, tế bào ung thư bắt đầu di căn dưới 6 hạch bạch huyết lân cận cũng như các lớp cơ khác. Bệnh nhân ung thư thường chịu đựng những cơn đau bụng nhẹ, đầy bụng và ợ hơi. Nhìn chung, các triệu chứng dễ bị bỏ qua bởi chúng không có nhiều sự khác biệt so với một số bệnh lý thông thường.
Giai đoạn 2, khối u xâm lấn lớp dưới niêm mạc. Tế bào ung thư phát triển khá nhanh, có thể di căn qua thành dạ dày. Triệu chứng bệnh giai đoạn 2 bắt đầu rõ rệt hơn. Cụ thể, người bệnh cảm thấy ăn mất ngon, mới đầu chán ăn thịt mỡ rồi dần chán ăn bất kỳ loại thức ăn nào. Tình trạng đau bụng, khó tiêu xuất hiện liên tục hơn, cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, suy nhược.
Sang giai đoạn 3, tế bào ung thư tiếp tục lan đến các cơ, lan ra 7 đến 15 hạch bạch huyết, ảnh hưởng đến lá lách và gan.
Giai đoạn 4, tế bào ung thư đã lan rộng hơn 15 các hạch bạch huyết. Tốc độ phát triển của tế bào ung thư cực mạnh. Cụ thể, chúng dễ dàng tấn công hầu hết cơ quan trong cơ thể thông qua hệ bạch huyết và mạch máu.
Ở giai đoạn 3, 4 người bệnh thường cảm thấy rất đau đớn, mệt mỏi
Khi ở vào giai đoạn cuối (giai đoạn 3,4), người bệnh thường cảm thấy rất đau đớn, xuất huyết đường tiêu hóa, sút cân cực nhanh, rối loạn trao đổi chất, khuếch tán ung thư và nguy cơ tử vong cao.
Những đối tượng dễ mắc bệnh ung thư dạ dày:
Tuổi càng cao càng nhiều người mắc ung thư dạ dày. Những người trên 50 tuổi mắc nhiều hơn những người trẻ tuổi, người trẻ tuổi dưới 40 ít mắc ung thư dạ dày hơn nhưng nếu mắc thì rất nguy hiểm, nhanh tái phát và di căn, tiên lượng thường xấu hơn, thời gian sống thêm sau điều trị ngắn.
Những người hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia dễ có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn. Thuốc lá và rượu bia làm cho tế bào niêm mạc dạ dày phải chịu đựng nhiễm độc kéo dài gây đột biến gen và có thể gây ung thư.
Những người bị viêm loét dạ dày mãn tính, có nhiễm trùng vi khuẩn HP trong ổ loét, nhất là các viêm loét thể teo đét có thể bị ung thư dạ dạy với tần suất cao hơn.
Những người có các khối u lành tính (gọi là các polip) có thể bị ung thư dạ dày.
Những người có thói quen ăn uống kiểu phương tây như ăn nhiều thịt nướng cháy, củ quả muối; những người béo phì; những người có bố mẹ đẻ, anh chị em ruột mắc ung thư dạ dày cũng có nguy cơ mắc cao hơn.
Bệnh ung thư dạ dày phát hiện rất nhanh nhưng lại khó phát hiện sớm, có tới 3/4 số bệnh nhân thường phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn. Trung bình một người bị ung thư chỉ có thời gian sống dưới 1 năm, dù tế bào ung thư bắt đầu phát triển ở vị trí nào. Vì vậy đừng chủ quan nghĩ rằng những triệu chứng nhẹ của bệnh chỉ là báo hiệu các bệnh dạ dày thông thường.