Công dụng chữa bệnh của chuối hột
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:10, 15/03/2016
Quả chuối hột khi xanh
Chuối hột có tên khoa học là Musa brachycarpa Back., họ Chuối (Musaceae), dân gian thường gọi là chuối chát. Theo y học cổ truyền, chuối hột có tác dụng giải độc, lương huyết, dân gian hay dùng để chữa đau lưng nhức mỏi, sạn thận, sạn bàng quang, dùng 30 - 50 g trái chuối chát xắt mỏng sao vàng hạ thổ rồi lường 4 chén nước sắc còn 1 chén uống mỗi ngày, hoặc hãm nước sôi uống như trà mỗi ngày, thời gian khoảng 1 tháng có kết quả.
Hạt chuối
Chuối hột dùng để chữa bệnh là chuối có nhiều hạt, hạt vỏ đen bên trong có bột trắng. Cách lấy hạt chuối hột cũng rất kỳ công, phải để chuối chín mới lấy hạt được, hạt được sao khô thơm nhẹ. Hạt chuối hột có thể dùng để ngâm rượu hoặc tán nhỏ sắc uống hàng ngày.
Giảm đau, tiêu sưng, chữa đau lưng, chân tay nhức mỏi, thấp khớp: 200g giã nát ngâm với rượu 40 độ (1.000ml) trong 10 ngày để càng lâu càng tốt, thỉnh thoảng lắc đều. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 15ml vào trước bữa ăn hay trước khi đi ngủ, có thể thêm đường cho dễ uống.
Trị sỏi thận, sỏi bàng quang: dùng hạt chuối hột rang giòn,giã nát, rây bột mịn. Mỗi ngày dùng 2 thìa canh bột cho vào ấm chế nước sôi pha trà uống. Trong thời gian uống thuốc thấy có chất lắng đục ở đáy dụng cụ đựng nước tiểu qua đêm. Uống liên tục trong 30 ngày, sỏi ra hết thành những viên nhỏ. Kết quả rất tốt.
Hoa chuối
Chữa sản phụ thiếu sữa, hoa chuối hột xắt nhỏ, luộc hoặc làm gỏi ăn để tăng tiết sữa ở sản phụ mới sinh con. Ngoài ra, còn chữa táo bón, hoa chuối luộc hoặc trộn gỏi gà ăn để tăng cường chất xơ chống táo bón, nhưng nhớ luộc kỹ để loại bỏ chất chát. Uống nước hoa chuối còn giúp loại acid uric và cặn lắng trong bàng quang, giúp loại bỏ chất độc trong người. Đặc biệt do bắp chuối ở trên cây nên đảm bảo sạch và không có thuốc trừ sâu, an toàn hơn các loại rau khác.
Vỏ trái chuối hột
Chữa kiết lỵ, lấy 20g vỏ trái chuối hột, 20g vỏ trái lựu, 10g búp ổi, phơi khô, xắt nhỏ, sắc lấy nước uống. Chữa đau bụng kinh, lấy 40g vỏ trái chuối hột, phơi khô, sao hơi vàng, tán bột. Quế chi 4g, cam thảo 2g, tán bột. Trộn đều luyện với mật ong thành viên 5g, uống 1 viên 3 lần trong ngày với nước ấm.
Thân chuối
Trị đau nhức răng: thân chuối hột còn non, cắt đoạn, nướng chín rồi ép lấy nước, ngậm với ít muối. Cầm máu vết thương: dùng lõi thân cây chuối rừng đập dập,đắp vào vết thương. Lõi thân cây già thái và giã nát, vắt nước uống sẽ làm tiêu khát. Hỗ trợ ổn định đường huyết: chọn cây chuối hột có bắp đang nhú, cắt ngang cây (cách mặt đất 20 - 25 cm) và khoét một lỗ rỗng to ở thân chuối, để một đêm, sáng hôm sau múc nước từ lỗ rỗng (do gốc thân cây chuối tiết ra) mà uống. Dùng thường xuyên sẽ ổn định được đường huyết.
Theo tài liệu nước ngoài, nước sắc thân và lá chuối hột có tác dụng lợi tiểu chữa phù thũng. Chuối rừng làm rau sống là những cây chưa trổ buồng, dưới một năm tuổi. Người ta tước bỏ lớp vỏ bên ngoài màu tím, lấy phần xơ lưới màu trắng và vỏ lụa bên trong. Bẹ chuối sau khi tước vỏ bó lại và thái ra sợi nhỏ như thuốc rê.
Lá chuối
Dùng để gói bánh ít các loại giúp cho mùi bánh thơm và không độc so với các loại lá chuối khác. Chữa băng huyết, nôn ra máu, lấy 10 g lá chuối và 20 g tinh tre, phơi khô đem đốt tồn tính tán nhỏ, hãm nước sôi uống ngày 1 lần.