Tiến hành bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Chính trị - Ngày đăng : 06:59, 25/11/2019

Hôm nay (ngày 25/11), Quốc hội tiến hành bầu nhân sự mới; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và biểu quyết một số dự án luật khác.

Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội; 

Tiếp theo, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự về việc trình danh sách đề cử bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV.

Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua các Luật sau:  Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.

Tiếp theo, Quốc hội tiến hành công tác nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV và bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn đại biểu Quốc hội và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời, trình Quốc hội quyết định danh sách người ứng cử do đại biểu Quốc hội giới thiệu hoặc tự ứng cử (nếu có).

Sau khi thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách nhân sự để bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử, Quốc hội bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách nhân sự để bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hệ thống biểu quyết điện tử.

Quốc hội bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Tiến hành bầu Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Quốc hội bỏ phiếu miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021, tại phiên họp toàn thể ngày 22/11

Trước đó, ngày 22/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 25 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Buổi sáng:

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều.

Tại phiên thảo luận đã có 13 đại biểu phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật như trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhằm góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong phòng, chống thiên tai; huy động nguồn lực đầu tư cho phòng, chống thiên tai và đê điều, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động của thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các Chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng, chống thiên tai ở Việt Nam; thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống thiên tai. Để tiếp tục hoàn thiện dự án Luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể sau đây:

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, các đại biểu cho ý kiến về: Lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã; Quỹ Phòng, chống thiên tai ở trung ương; nguồn tài chính và ngân sách Nhà nước cho phòng, chống thiên tai; bổ sung thêm loại hình thiên tai mới và công trình phòng chống thiên tai; hội nhập quốc tế trong công tác phòng, chống thiên tai; về xây dựng và bảo vệ công trình phòng, chống thiên tai và công trình kết hợp phòng, chống thiên tai; giáo dục, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng công tác phòng, chống thiên tai; cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; bổ sung quy định bảo hiểm rủi ro cho các công trình, tài sản của người dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai cao; vận động quyên góp và phân bổ nguồn lực cứu trợ, hỗ trợ phòng, chống thiên tai; bổ sung quy định trách nhiệm của lực lượng vũ trang trong việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; điều tra cơ bản phòng, chống thiên tai …

Đối với sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đê điều: Tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: Việc sử dụng bãi sông, lòng sông, bãi nổi, cù lao nơi chưa có công trình xây dựng; xử lý công trình nhà ở hiện có trong phạm vi bảo vệ đê điều và ở bãi sông, bãi nổi, cù lao; trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, cải tạo công trình giao thông liên quan đến đê điều; về tên gọi Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương…

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Cũng trong buổi sáng cùng ngày, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành xem xét công tác nhân sự. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng trình bày Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; nghe Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Tờ trình của Chính phủ đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về hai nội dung  này.

Buổi chiều

Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau:

Về Khoản 1, Khoản 14 của Điều 2, quy định tổ chức chính quyền địa phương, đã có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.37%); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90.27%).

Khoản 8, Khoản 13 của Điều 2, quy định số lượng cấp phó của HĐND, UBND, đã có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.34%); trong đó, có 422 đại biểu tán thành (bằng 87.37%).

Về toàn bộ dự thảo Luật, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.75%); trong đó, có 431 đại biểu tán thành (bằng 89.23%).

Tiếp theo chương trình, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau:

Về Điều 5, quy định nhiệm vụ dân quân tự vệ, có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.13%); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91.72%).

Về Điều 15, quy định tổ chức dân quân tự vệ, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.55%); trong đó, có 443 đại biểu tán thành (bằng 91.72%).

Về toàn bộ dự thảo Luật, có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.34%); trong đó có 443 đại biểu tán thành (bằng 91.72%).

Tiếp đó, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam. Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau:

Về Điều 6, quy định Giấy tờ xuất cảnh, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.75%); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92.13%).

Về Điều 36, quy định các trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh, có 445 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.13%); trong đó, có 440 đại biểu tán thành (bằng 91.10%).

Về toàn bộ dự thảo Luật, có 447 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.55%); trong đó. có 442 đại biểu tán thành (bằng 91.51%).

Cũng trong buổi chiều cùng ngày, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban công tác đại biểu Trần Văn Túy báo cáo kết quả thảo luận ở Đoàn đại biểu Quốc hội về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021. Quốc hội tiến hành miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV; phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Sau đó, Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến. Quốc hội biểu quyết bằng hệ thống điện tử thông qua 02 Nghị quyết trên, kết quả như sau:

Về Nghị quyết miễn nhiệm Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khóa XIV đối với ông Nguyễn Khắc Định, có 438 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 90.68%); trong đó, có 438 đại biểu tán thành (bằng 90.38%).

Về Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2016-2021 đối với bà Nguyễn Thị Kim Tiến, có 431 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 89.23%); trong đó, có 395 đại biểu tán thành (bằng 81.78%).

Ngọc Mai