Tía tô vị thuốc quý của mọi người
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:00, 06/03/2016
Tía tô có tên khoa học là Perilla frutescens, còn có tên gọi khác là tử tô, tử tô ngạnh… là một trong số 8 loài cây tía tô thuộc họ hoa môi, giống như húng. Tía tô là loại cây thảo, cao 0.5 – 1m, lá mọc đối, mép khía răng, mặt dưới tím tía, có khi 2 mặt đều tía, nâu hay màu xanh lục có lông nhám.
Hoa tía tô nhỏ mọc thành chuỗi dài ở đầu cành, màu trắng hay tím, mọc đối, 4 tiểu nhị không thò ra ngoài hoa. Quả tía tô là dạng quả bế, hình cầu. Toàn cây có tinh dầu thơm và có lông. Loài tía tô mép lá quăn có giá trị sử dụng cao hơn.
Là loại rau gia vị thơm ngon với giá trị dinh dưỡng khá cao, giàu vitamin A, C, giàu hàm lượng Ca, Fe, và P, loại cây tía tô không những có thể dùng để chế biến các món ăn ngon miệng mà còn là cây thuốc được dùng phổ biến trong y học cổ truyền. Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc.
Giải cảm
Cháo tía tô với hành lá cũng là món ăn giải cảm đơn giản mà hiệu quả
Lá tía tô tính ấm, vị cay, là vị thuốc dân gian hay dùng để trị cảm mạo. Khi bị sốt, có thể xông lá tía tô (cùng với một số lá xông khác) để giải độc tố và thoát mồ hôi. Cháo tía tô với hành lá (có thể cho thêm trứng gà) cũng là món ăn giải cảm đơn giản mà hiệu quả, giúp hồi phục sức khỏe.
Chữa bệnh về đường ruột
Uống nước trà lá tía tô giúp tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và chữa trị các bệnh về đường ruột cũng như dạ dày. Khi dùng chung với lá bạc hà và các loại thảo dược khác, lá tía tô giúp xoa dịu triệu chứng khó tiêu, ợ nóng, đầy hơi, đau bụng...
Giải độc do ăn cua cá
Giã nát tía tô vắt lấy nước uống hoặc sắc 10g lá, kho lấy nước uống lúc nóng. Hoặc dùng bài thuốc tử tô giải độc thang gồm: Lá tía tô 10g, Gừng tươi 8g, sinh Cam thảo nước 600ml, sắc còn 200ml uống nóng chia 3 lần trong ngày.Thường khi ăn ốc, cua hoặc gỏi cá, người ta thường ăn kèm rau sống có lá tía tô để phòng tránh ngộ độc.
Từ thân lá, cành đến hạt của tía tô đều có thể sử dụng làm thuốc
Chữa dị ứng do ăn hải sản hay tiếp xúc lạnh
Lấy 1 nắm lá tía tô giã nát vắt lấy nước cốt uống, bã đắp hoặc chà xát lên nơi bị dị ứng. Lưu ý cần tránh gió và không được dầm nước.
Ngoài ra, thành phần kháng khuẩn có trong lá tía tô còn kích thích hệ miễn dịch, giúp xoa dịu các triệu chứng đau nhức cơ bắp. Đặc biệt nếu bạn dùng tía tô để tắm rửa hàng ngày còn giúp bảo vệ da, dưỡng da tươi mịn, giảm trừ vết nhăn, vết nám, cải thiện khô ngứa da vì tía tô có tác dụng làm ẩm da, dịu da, tăng cường trao đổi chất.
Không những thế, theo kinh nghiệm dân gian, có thể dùng tía tô để chữa trị mụn thịt, mụn cóc. Vò nát (hoặc giã nát) lá tía tô, chà lên mụn thịt, hoặc mụn cóc. Sau đó, dùng gạc để quấn chặt hoặc dùng băng dính cố định chỗ đắp. Thực hiện liên tục trong vài tuần, các mụn thịt, mụn cóc sẽ nhỏ lại và biến mất, da trở nên mịn màng.
Tuy lá tía tô mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng cũng cần lưu ý khi sử dụng loại thảo dược này. Không nên dùng chung lá tía tô với các loại thuốc đặc trị khác vì có thể gây phản ứng thuốc.
Bệnh nhân mắc bệnh tăng nhãn áp cũng không nên dùng vì tinh dầu có trong lá tía tô sẽ gia tăng áp lực lên đôi mắt. Người sắp phẫu thuật hoặc hay bị dị ứng cũng nên cẩn thận vì lá tía tô có thể gây tình trạng hôn mê kéo dài hoặc chóng mặt, nôn mửa.