Kỹ năng sơ cứu nạn nhân khi gặp nạn

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:26, 02/03/2016

Cứu người không thể vội vàng mà cần phải bình tĩnh và có kiến thức cơ bản về sơ cứu trước khi di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế.

Cộng đồng mạng đang xôn xao về bức thư của một cô giáo viết khi cô chứng kiến vụ tai nạn giao thông xảy ra với học sinh của mình. Theo cô kể lại, cô đã có mặt khi cô bé học sinh bị nạn và vẫy các xe dừng lại để nhờ đưa nạn nhân đi cấp cứu nhưng không chiếc xe nào dừng lại.

Cô và mọi người chỉ có thể đưa nạn nhân đi khi chiếc xe của Công an phường tới và họ đã di chuyển cháu bé tới Bệnh viện cấp cứu mà không có bất cứ một động tác sơ cứu nào trước đó.

Có nhiều luồng ý kiến khác nhau về việc này, người thì cho rằng những người không dừng xe là vô cảm trước cái chết, người thì lại nói chính việc cố gắng di chuyển nạn nhân đi mà không sơ cứu đã gián tiếp gây ra cái chết cho cháu bé 6 tuổi.

Cứu người – không hề đơn giản, đó là sự hồi sinh cho những con người mà tính mạng họ đang nguy kịch. Cứu người không thể vội vàng mà cần phải bình tĩnh và có một kiến thức cơ bản để sơ cứu trước khi di chuyển nạn nhân đi khỏi hiện trường.

Đối với các vụ tai nạn giao thông, nạn nhân sẽ gặp phải nhiều chấn thương khác nhau có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Có người tử vong ngay tại chỗ, cũng có người dù đã bị dập não hay mất nhiều máu, nhưng nhờ có sự sơ cứu kịp thời trước khi chuyển đến các cơ sở y tế nên tính mạng họ đã giữ lại được.

* Chấn thương hay gặp nhất đối với nạn nhân bị tai nạn giao thông đó là chảy máu, mất máu: Khi bị nạn, sẽ có sự va đập mạnh dẫn đến gãy xương, rách da, đứt mạch máu, chảy máu…Nạn nhân có thể thấy lạnh run, da xanh tái nếu mất máu quá nhiều, dẫn đến bất tỉnh, choáng váng và thậm chí là tử vong.

Kỹ năng sơ cứu nạn nhân khi gặp nạn

Với những trường hợp này, hãy bình tĩnh để xử lý theo những bước sau:

- Nếu có dị vật trong vết thương thì không nên rút dị vật vì có thể làm mất máu nhiều hơn.

- Mang găng tay hoặc túi nilon sạch khi sơ cứu để tránh lây bệnh truyền nhiễm từ bệnh nhân.

- Dùng tay ép chặt mép vết thương, chèn băng, gạc quanh dị vật cho cố định nhưng không được băng trùm lên dị vật. Sau đó chuyển nạn nhân tới các cơ sở y tế.

- Cần ủ ấm và để nạn nhân nằm ở tư thế đầu thấp, chân cao để làm giảm lượng máu chảy đến vết thương. Khi đưa nạn nhân đến bệnh viện, nên để nạn nhân ở tư thế nằm, không nên dùng xe gắn máy để chở nạn nhân.

- Đối với vết thương không có dị vật, cần giữ chặt để cầm máu rồi băng vết thương. Sau đó cho nạn nhân nằm ở tư thế đầu thấp hơn chân và ủ ấm.

Lưu ý: Tuyệt đối không di chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế khi chưa làm các động tác sơ cứu tại chỗ, bởi điều đó có thể gián tiếp khiến nạn nhân bị tổn thương, mất máu nhiều hơn và tỷ lệ tử vong cao hơn. Trong trường hợp nhận thấy hiện trường tai nạn không an toàn mới phải di chuyển nạn nhân nhanh chóng, như tại các vụ sập núi, hỏa hoạn…

* Nạn nhân bị chấn thương sọ não do bị va đập ở vùng đầu: Đừng tự ý di chuyển mà hãy nhờ sự giúp đỡ của những người khác. Nếu nạn nhân hôn mê, không nên cho uống bất kỳ loại nước nào vì dễ bị sặc.

- Nạn nhân chấn thương sọ não có thể bị vỡ sọ, vết thương xuyên thấu, dập não, xuất huyết trong hoặc phù não, co giật.

- Đặt nạn nhân nằm ở nơi thoáng khí với tư thế chân kê cao hơn đầu khoảng 20 cm nếu không thấy chảy máu đầu cổ, không bị nhồi máu cơ tim. Cần ủ ấm cho bệnh nhân. Nếu nạn nhân ngưng tim, ngưng thở, nên ưu tiên hô hấp nhân tạo, xoa bóp lồng ngực ở vùng tim.

- Sau khi sơ cứu hãy gọi xe cấp cứu ngay. Nếu nghi ngờ nạn nhân bị tổn thương cột sống, phải thật cẩn trọng khi khiêng cáng ra khỏi hiện trường. Trong quá trình di chuyển, cần cố định nạn nhân bằng cách chèn vải, chăn gối ở phần đầu, cổ và thân.

* Nạn nhân bị gãy xương: Khi xương bị gãy, dấu hiệu điển hình là đau ở vùng gãy, đau hơn khi sờ ấn hoặc cử động, giảm hoặc không thể cử động chỗ bị thương, kèm theo sưng nề, chảy máu. Trong một số trường hợp da bị bầm tím. Nếu gãy xương hở đầu, xương có thể đâm thủng da.

Kỹ năng sơ cứu nạn nhân khi gặp nạn

- Việc đầu tiên cần làm là cố định tạm thời bộ phận bị gãy. Tránh làm xương dịch chuyển, không thể xảy ra thêm tổn thương về mạch máu, thần kinh, cơ. Có thể dùng các loại nẹp tự tạo từ gỗ, tre, đòn gánh để cố định vùng xương gãy.

- Nếu gãy xương ở gần các khớp, phải cố định cả khớp; chẳng hạn gãy xương đùi cần cố định các khớp háng, khớp gối, khớp cổ chân. Với xương cẳng chân cần cố định khớp gối, khớp cổ chân; Gãy xương cẳng tay cần cố định khớp khuỷu và khớp cổ tay.

- Riêng khi gãy xương hở, không được rửa mà chỉ lau xung quanh vết thương, bôi thuốc sát trùng và băng ép vô khuẩn. Tuyệt đối không ấn đầu xương gãy vào trong. Sau đó nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị.

Có thể dùng xe máy chở nạn nhân gãy xương chi ở tư thế ngồi. Tuy nhiên trong trường hợp gãy xương cột sống hay xương đùi cần vận chuyển trên cáng nằm.

Q.K