Bỏ túi những bí quyết giúp uống rượu ngày Tết không bị say

Sức khỏe - Ngày đăng : 08:05, 06/02/2016

Việc gặp bạn bè, người thân… ai ai cũng “cạn ly” khiến cho cơ thể rất dễ rơi vào trạng thái say xỉn. Sau đây là bí quyết giúp bạn uống rượu ngày Tết.

Khi uống rượu say, vùng vỏ đại não điều khiển sự tập trung, khả năng kiềm chế,… bị ức chế, một số trung tâm hành động bị kích thích nên khi say người ta thường có những hành vi hoàn toàn bất thường.

Say rượu là tình trạng nồng độ cồn ở trong máu vượt quá giới hạn kiểm soát và sự chịu đựng của cơ thể dẫn tới ngộ độc do sử dụng quá mức.

Say rượu thường biểu hiện qua các cấp độ: Nhẹ thì thái độ vui vẻ, cởi mở, sảng khoái; say vừa thì nói nhiều, hát hò, ầm ĩ, đi đứng xiêu vẹo, say nặng thì mất thăng bằng, mất khả năng kiềm chế, dễ gây tai họa có thể mất trí, rối loạn nhân cách gây hành vi quái dị hoặc gây ra nhiều tai biến, như hôn mê, suy hô hấp, đứt mạch máu não,…

1. Xác định “tửu lượng” của bản thân

Hãy xác định rõ "tửu lượng" của mình và tránh vượt quá “ngưỡng an toàn” này để đảm bảo sức khỏe và an toàn sau những buổi tiệc. Thông thường, ngưỡng an toàn khi uống bia (nồng độ 4%) là từ 300-350ml (1 lon), rượu sâm banh (nồng độ 11%) khoảng 150-200ml và rượu màu có mùi (nồng độ 17-20%) khoảng 50ml. Khi uống với liều lượng như vậy, bạn khó có thể bị say.

2. Ăn lót dạ

Đừng nạp cồn vào cơ thể với dạ dày trống rỗng. Tốt nhất hãy lót dạ bằng một chén cơm, hoặc ăn đồ ăn có chất béo, những thực phẩm chứa carbohydrate như: bơ, sữa, gan... Ăn thêm hoa quả giàu vitamin B như dưa đỏ, súp lơ, cà rốt, lạc và rau xanh đậm. Đồ ăn chứa chất béo giúp làm giảm quá trình hấp thụ chất có cồn vào cơ thể và giảm sự khó chịu của dạ dày. Thức ăn nhiều carbohydrate giúp hạ đường huyết và giảm buồn nôn.

3. Bổ sung nước liên tục

Khi đưa vào cơ thể các thức uống có cồn bạn sẽ có nhu cầu tiểu tiện nhiều hơn. Khi bị thiếu nước, các bộ phận có trong cơ thể có xu hướng lấy nước từ não, điều này khiến não bị teo, gây ra hiện tượng đau đầu.

Bỏ túi những bí quyết giúp uống rượu ngày Tết không bị say

Ảnh minh hoạ

4. Hãy uống chậm

Uống nhanh làm cho gan không kịp làm việc, chất cồn sẽ không được bài tiết ra ngoài mà thấm vào trong máu khiến bạn dễ say hơn.

5. Bổ sung vitamin B

Một trong những nguyên nhân làm bạn cảm thấy khó chịu mỗi khi uống các thức uống có cồn là do cơ thể mất đi các vitamin B. Do đó, việc bổ sung vitamin B6 và vitamin B tổng hợp sẽ giúp bạn rất nhiều trong việc chống lại cảm giác say. Vitamin B dễ dàng tìm thấy trong các thực phẩm như sữa, súp lơ xanh, cà rốt, dưa đỏ, mơ, quả hạnh, lạc và các loại rau xanh đậm...

6. Tuyệt đối không pha trộn

Việc pha trộn các loại nước ngọt có gas và đồ uống có cồn sẽ làm bạn say nhanh chóng. Vì phản ứng tạo bọt khí sẽ làm chất cồn ngấm vào máu nhanh hơn. Ngoài ra bạn cũng cần tránh uống lẫn lộn các thức uống có cồn với nhau.

7. Không dùng thuốc chống nôn

Đừng nên uống các loại thuốc chống nôn vì dễ dẫn đến tình trạng ngộ độc rượu, ngoài ra chính các loại thuốc đó sẽ tiếp tục giữ lại các chất độc trong cơ thể bạn, mà gan lại ko thể lọc chất độc kịp, hậu quả là gây tổn hại nghiêm trong đến gan, lâu ngày gây xơ gan và ung thư gan.

Nên nhớ mỗi người có mức độ phản ứng khác nhau với thức uống có cồn. Chỉ có bạn mới có thể biết ngưỡng an toàn của bản thân. Hãy cân nhắc thật kỹ trước khi vượt quá giới hạn này nhé.

PV