Uẩn khúc vụ thầy lang bấm huyệt, bé trai tử vong

Sức khỏe - Ngày đăng : 10:11, 02/02/2016

Xung quanh câu chuyện bé trai 12 tuổi tử vong sau khi được một thầy lang bấm huyệt thì vấn đề chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền và sơ cấp cứu người bệnh tại nhà khiến nhiều người không thể thờ ơ.

Sáng ngày 7/1, thông tin cháu Võ Trung Kiên Nhẫn (SN 2004, ngụ xã Bình Quý, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) qua đời khiến nhiều người dân địa phương bàng hoàng. Cháu Nhẫn là con trai duy nhất trong 4 người con của vợ chồng ông Võ Ngô (SN 1967) và bà Nguyễn Thị Thanh (SN 1968).

Theo lời kể của ông Ngô, khi mới sinh ra, Nhẫn vẫn khỏe mạnh, bụ bẫm như nhiều đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến khi được 6-7 tuổi, đôi chân Nhẫn bắt đầu yếu dần, đi lại khó khăn. Đến khi được 12 tuổi, đôi chân Nhẫn bị bại liệt hẳn, không thể đi lại được. Tất cả các bác sĩ đều kết luận Nhẫn bị bệnh loạn dưỡng cơ, không thể điều trị được. Đưa Nhẫn về nhà, ông Ngô vừa gắng công chăm sóc, vừa cho uống các loại thuốc Nam, thuốc Bắc nhưng đều không có tác dụng. Duy chỉ có biện pháp vật lý trị liệu thì có giúp cải thiện một phần.

Cách nhà ông Ngô khoảng 4km có bà Trần Thị Quý (SN 1950, ngụ xã Bình Quý), bị bệnh tê bại tay chân. Thông qua các mối quan hệ, bà Quý biết anh Nguyễn Minh H. (SN 1978, ngụ TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam) biết bấm huyệt chữa bệnh nên nhờ H. giúp. Sau khi được H. bấm huyệt một lần thấy đỡ đau, bà Quý giới thiệu H. cho một số người trong xã đang bị bệnh giống mình, trong đó có cụ Võ Khách (SN 1941, ngụ xã Bình Quý, ông nội của Nhẫn).

Ngày 5/1, bà Quý thuê xe đưa cụ Khách cùng một số người dân xã Bình Quý xuống Hội An, đến nhà thầy H. nhờ bấm huyệt chữa bệnh. Tại đây, cụ Khách tỏ ý nhờ thầy H. bấm huyệt chữa chứng liệt chân cho cháu nội. Thầy H. nhận lời và hứa sẽ lên nhà bà Quý để bấm huyệt cho Nhẫn và một số người khác.

Đúng hẹn, khoảng 19h ngày 6/1, ông Ngô đưa Nhẫn lên nhà bà Quý để bấm huyệt chữa bệnh liệt chân cho Nhẫn. Tại đây, thầy H đưa Nhẫn vào trong phòng và bấm huyệt trong khoảng 15 phút rồi cho cháu bé về nhà. Ngay sau khi ra khỏi phòng và về đến nhà, cháu Nhẫn kêu đau, nhất là những chỗ thầy vừa bấm huyệt. Sau đó, Nhẫn kêu đau bụng, buồn nôn, trạng thái khó chịu và không ngủ được. Vợ chồng ông Ngô làm đủ mọi cách như bóp nắn, xoa dầu nhưng vẫn không giúp Nhẫn dịu cơn đau. Đến khoảng 4h sáng ngày 7/1, thấy tình trạng sức khỏe của con trai nguy cấp, vợ chồng ông Ngô liền đưa Nhẫn đến bệnh viện Thăng Hoa (cách đó khoảng 10km). Sau 30 phút cấp cứu, các bác sĩ thông báo Nhẫn đã tử vong.

Bà Thanh, mẹ Nhẫn đau đớn kể: “Sau khi bấm huyệt, cháu Nhẫn liên tục kêu đau khắp mình, nhiều nhất là ở đôi chân. Sau đó, Nhẫn lại kêu đau bụng. Đến khi Nhẫn bất tỉnh, vợ chồng tôi mới hốt hoảng đưa Nhẫn đi bệnh viện nhưng đã quá muộn”.

Uẩn khúc vụ thầy lang bấm huyệt, bé trai tử vong

Ông Võ Ngô kể lại sự việc xảy ra với con trai 

Tiếp xúc với H. người này cho biết, đã học phương pháp bấm huyệt chữa bệnh từ nhiều thầy khác nhau trong các tỉnh miền Nam. Sau khi về quê, H. bấm huyệt chữa bệnh tê bại cho mẹ đẻ của mình và thấy có hiệu quả. Nghe tiếng H., khoảng 1 năm nay, nhiều người có bệnh đến nhờ H. giúp đỡ. Các bệnh nhân của H. đa phần là bị tê bại tay chân, đau đầu, vai gáy, nhức mỏi. Có cụ già 80 tuổi ở thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) bị liệt 2 chân nhiều năm, sau khi được H. bấm huyệt vài lần thì đi lại được ngay. Bà Quý nhiều năm nay đôi tay bị bại, không giơ cao được. Sau vài lần bấm huyệt, giờ bà đã có thể giơ tay cao bình thường.

Cũng theo H, tất cả các thầy dạy H. bấm huyệt theo kiểu truyền miệng và H. chưa hề được cấp chứng chỉ về nghề bấm huyệt hoặc xoa bóp trị bệnh. Các thầy đều cho H. biết, bấm huyệt không thể gây chết người nên H không nghĩ rằng mình có trách nhiệm với cái chết của cháu Nhẫn. Điều đặc biệt, H. chỉ bấm huyệt giúp người, không bao giờ lấy tiền bất kỳ ai.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Tuân, Phó Giám đốc bệnh viện Thăng Hoa, người trực tiếp cấp cứu Nhẫn cho biết, cháu Nhẫn nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngừng thở. Trước tình thế nguy hiểm, bệnh viện đã dùng mọi biện pháp tích cực cấp cứu nhưng vẫn không thành công.

Theo trình báo của gia đình, có khả năng Nhẫn bị ngộ độc nấm mối (một loại nấm thiên nhiên mọc lên từ những gò ụ mối nằm dưới lòng đất) đã ăn trước đó. Tuy nhiên, khả năng này được bệnh viện loại trừ vì ngoài Nhẫn ra, còn có nhiều người trong gia đình ăn nấm mối bữa đó nhưng không ai có biểu hiện bất thường nào.

Nói về nghi vấn thầy lang bấm huyệt khiến cháu bé tử vong, bác sĩ Tuân cho rằng không có cơ sở để kết luận cháu Nhẫn tử vong do bấm huyệt, bởi có nhiều nguyên nhân để lý giải cho trường hợp của Nhẫn. Theo bác sĩ Tuân, chỉ riêng việc Nhẫn bị liệt chân, béo phì đã là một nguyên nhân phổ biến dẫn đến tử vong đột ngột.

Ngoài ra, Nhẫn có thể đã mắc một căn bệnh nào đó khiến bị đột tử mà không liên quan gì đến việc bấm huyệt. Bác sĩ Tuân dẫn chứng cứ liệu khoa học về hội chứng Brugada, một dạng rối loạn nhịp tim có khả năng gây ngất xỉu hoặc ngừng tim đột ngột, đe dọa tính mạng bệnh nhân và có yếu tố di truyền.

Liên hệ với gia đình cháu Nhẫn được biết, bà Thanh có 2 người em ruột (tức cậu ruột của Nhẫn) cũng mắc bệnh loạn dưỡng cơ và qua đời khi tuổi còn rất nhỏ. Vợ chồng bà Thanh cùng gia đình cũng phần nào tin rằng cái chết của Nhẫn có liên quan đến cái chết của 2 người cậu ruột này.

Bác sĩ Tuân cho biết thêm, thực tế có nhiều người chủ quan với bệnh tật và thiếu kiến thức cơ bản về y tế nên dẫn đến những cái chết oan uổng. Có nhiều trường hợp phát bệnh nhưng chậm đưa đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời dẫn đến tử vong. Đối với một số bệnh như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim…, nếu phát hiện mà không sơ cứu đúng cách tại nhà sẽ làm tăng nguy cơ tử vong hoặc biến chứng trên đường đến bệnh viện.

Hiện nay, y học cổ truyền được ứng dụng rộng rãi trong điều trị và kết hợp điều trị nhiều căn bệnh ở người. Tuy nhiên, việc ứng dụng phải theo khoa học và được thực hiện bởi người được đào tạo chuyên môn bài bản. Nếu không, có nguy cơ xảy ra những biến cố khó lường, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh.

Châu Sơn