Bệnh viện hết thuốc, bệnh nhân phải tự mua có được BHYT thanh toán không?
Sức khỏe - Ngày đăng : 14:28, 31/12/2015
Tại buổi giao lưu trực tuyến về chính sách BHXH, BHYT diễn ra sáng nay (31/12) do BHXH Việt Nam tổ chức với sự tham gia của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương, Trưởng ban thực hiện chính sách BHXH Phạm Lương Sơn, Trưởng ban thu BHXH Trần Đình Liệu…đã cung cấp những thông tin, giải đáp thắc mắc một cách đầy đủ và kịp thời về những vấn đề các đơn vị sử dụng lao động, người lao động và nhân dân cả nước đang quan tâm về chính sách BHXH, BHYT.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương phát biểu khai mạc buổi giao lưu trực tuyến chính sách BHXH, BHYT
Cơ sở KCB có trách nhiệm hoàn trả tiền cho người bệnh
Trong hàng trăm câu hỏi được gửi về cuộc giao lưu trực tuyến thì đáng chú ý là câu hỏi của ông Nguyễn Thanh Tùng (Hải Phòng) liên quan đến việc thanh toán BHYT: Gia đình tôi có người bị bệnh ung thư, đã điều trị hóa chất được 5 lần, đến lần thứ 6, bệnh viện (BV) báo không có thuốc và không xác định được khi nào có thuốc. Gia đình đề nghị BV kê đơn thuốc để tự mua về điều trị cho đúng phác đồ. Tôi xin hỏi, trong trường hợp này bệnh nhân có được thanh toán BHYT không?
Về vấn đề này BHXH Việt Nam đã có câu trả lời như sau: Tại Khoản 5, Điều 16 Quy định về tổ chức thực hiện BHYT trong khám chữa bệnh (KCB) ban hành kèm theo Quyết định số 1399/QĐ-BHXH ngày 22/12/2015 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam quy định cơ sở KCB có trách nhiệm cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế cho người bệnh. Trường hợp cơ sở KCB không cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư y tế, để người bệnh tự mua có trách nhiệm hoàn trả tiền cho người bệnh và tổng hợp chi phí này thanh toán với cơ quan BHXH theo quy định.
Có lẽ đây không phải là thắc mắc của riêng gia đình ông Tùng, mà còn là thắc mắc rất nhiều gia đình có người thân mắc bệnh đang điều trị tại các bệnh viện Trung ương và địa phương nhưng lại phải tự đi mua thuốc vì lý do BV không có thuốc hoặc hết thuốc. Câu trả lời của BHXH Việt Nam đã phần nào giải tỏa tâm lý để người nhà và bệnh nhân yên tâm chữa bệnh.
Người bệnh có thẻ BHYT bị ảnh hưởng như thế nào khi tăng giá dịch vụ y tế
Bà Lê Hải Anh (Hà Nội) đặt câu hỏi: Tôi được biết năm 2016 sẽ thay đổi giá dịch vụ y tế? Vậy điều này sẽ ảnh hưởng như thế nào với người có thẻ BHYT?
BHXH Việt Nam giải đáp: Lần này Liên Bộ Y tế - Tài chính điều chỉnh giá dịch vụ KCB theo lộ trình Chính phủ quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP, theo hướng tính đúng, tính đủ giá dịch vụ KCB theo đúng cơ chế thị trường. Theo đánh giá của chúng tôi, đối với người có thẻ BHYT, việc tăng giá dịch vụ y tế có tác động tích cực là chủ yếu.
Thứ nhất, mức giá chi trả của dịch vụ kỹ thuật sẽ thống nhất trong cả nước, người bệnh sẽ được cung cấp dịch vụ y tế công bằng, đồng đều ở tất cả cơ sở khám chữa bệnh, không phân biệt vùng miền.
Buổi giao lưu trực tuyến đã cung cấp thông tin đầy đủ, giải đáp thắc mắc của người dân về những vấn đề liên quan đến BHYT, BHXH
Thứ hai, khi các chi phí thuốc, vật tư y tế sử dụng trong dịch vụ kỹ thuật đã được xác định là tính đủ thì việc người bệnh không phải trả thêm cho những chi phí thuốc, vật tư y tế đã được tính vào giá dịch vụ y tế hay được quy định rõ quỹ BHYT thanh toán riêng ngoài giá dịch vụ y tế (ví dụ thuốc gây mê hay một số loại vật tư y tế như dao mổ laser, dịch nhầy…).
Thứ ba, người dân sẽ được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước theo cơ chế chuyển dịch tài chính, do phần ngân sách Nhà nước trước vẫn cấp trực tiếp cho các cơ sở y tế để trả lương, trả chi phí thường xuyên…thì nay sẽ được chuyển sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế, để thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, trong đó đặc biệt chú ý đến các nhóm người yếu thế trong xã hội.
Thứ tư, giá dịch vụ y tế được tính đủ chi phí sẽ khuyến khích các bệnh viện triển khai, phát triển các kỹ thuật y tế, đồng thời có trách nhiệm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, cả chất lượng chuyên môn lẫn chất lượng phục vụ. Người có thẻ BHYT được thụ hưởng các dịch vụ KCB tiên tiến, hiện đại ngay trên địa bàn và được cơ quan BHXH thanh toán, làm tăng quyền lợi của người có thẻ BHYT.
Ngoài ra, vấn đề người có thẻ BHYT khi vượt tuyến/ trái tuyến thì được hưởng quyền lợi như thế nào khi Luật BHYT sửa đổi, bổ sung chính thức đi vào cuộc sống cũng được người dân hết sức quan tâm và đặt nhiều câu hỏi liên quan về vấn đề này.
Vị đại điện BHXH Việt Nam cho biết, với những trường hợp có thẻ BHYT đi khám bệnh, chữa bệnh không đúng tuyến thì sẽ vẫn được quỹ BHY T thanh toán theo mức hưởng của từng đối tượng theo tỷ lệ như sau:
Tại bệnh viện tuyến Trung ương là 40% chi phí điều trị nội trú. Tại bệnh viện tuyến tỉnh là 60% chi phí điều trị nội trú từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2020; 100% chi phí điều trị nội trú từ ngày 1 tháng 1 năm 2021 trong phạm vi cả nước.
Tại bệnh viện tuyến huyện là 70% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày Luật này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015; 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ ngày 01 tháng 01 năm 2016.