Cần có chính sách hỗ trợ việc làm cho người nhiễm HIV

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:00, 03/12/2015

Tạo công ăn việc làm cho người nhiễm HIV là một việc làm hết sức nhân đạo và cần thiết nhằm ngăn chặn sự lây lan của HIV/AIDS. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản với người nhiễm HIV trong việc tìm kiếm việc làm.

Tự tạo việc làm

Theo số liệu thống kê, có đến 75% người nhiễm HIV/AIDS chỉ tốt nghiệp THCS, nghề nghiệp không ổn định, thu nhập thấp. Những nghề được đào tạo trong thời gian cai nghiện ma túy không tạo cho họ nhiều cơ hội việc làm khi tái hòa nhập cộng đồng. Do sự kỳ thị, hầu như các DN đều không tiếp nhận người nhiễm HIV/AIDS vào làm việc. Vì thế, chỉ còn cách tự tạo việc làm thì những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS mới duy trì được cuộc sống hàng ngày.

Cần có chính sách hỗ trợ việc làm cho người nhiễm HIV

 Dạy nghề cho học viên tại Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Hải Phòng

Bị từ chối, bị tước đi cơ hội có việc làm bình đẳng như những lao động khác, những người nhiễm HIV/AIDS đã tự xây dựng mạng lưới kết nối các thành viên để giúp đỡ nhau trong giới thiệu việc làm và vay vốn làm ăn. Điển hình như DN Điểm sáng sức sống (huyện Tân Thành, Bà Rịa- Vũng Tàu) do ông Phạm Ngọc Tuấn, Trưởng nhóm tự lực sức sống Tân Thành làm giám đốc. Bản thân ông Tuấn cũng là người nhiễm HIV/AIDS và từng bị các DN sa thải. Được sự tài trợ của Trung tâm nghiên cứu Sức khỏe và phát triển (COHED), ông Tuấn đã thành lập DN tư nhân Điểm sáng sức sống với mong muốn tạo cơ hội có việc làm phù hợp cho những người nhiễm HIV/AIDS. Hiện DN có gần 240 thành viên nhiễm HIV/AIDS tham gia sinh hoạt, trong đó có 50 người được DN cho vay vốn tự tạo việc làm như chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ...

Một cơ sở dịch vụ sửa chữa ô tô, xe máy đã được tổ chức tại phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội thu hút những người sau cai nghiện ma tuý, trong đó có người nhiễm HIV đến làm việc. Nhờ sự giúp đỡ của Trung tâm hỗ trợ sáng kiến và phát triển cộng đồng, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội, một số nhóm tự lực người nhiễm HIV trên địa bàn thành phố Hà Nội đã hỗ trợ các thành viên của mình học nghề, có được việc làm, ổn định cuộc sống. Điển hình phải kể đến nhóm “Cát Trắng”, quận Long Biên. Cụ thể, được sự tài trợ của Đại sứ quán Ailen với số tiền 40 triệu đồng, nhóm đã quyết định mở xưởng sắt khung nhôm kính.

Tính đến tháng 6/2015, số người nhiễm HIV còn sống ở Việt Nam được báo cáo là khoảng 227.000 trường hợp với trung bình 12.000 - 14.000 ca nhiễm mới mỗi năm và có khoảng 75.000 người tử vong do AIDS được báo cáo. Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho thấy, đã có khoảng 78 triệu người nhiễm HIV trên thế giới, trong đó ước tính 50% đã tử vong. 

Chỉ chưa đầy nửa năm hoạt động, xưởng đã phát triển rất mạnh với quy mô 7-10 công nhân làm việc với thu nhập tương đối ổn định (thợ chính 100.000-120.000 đồng/ngày; thợ phụ 80.000-90.000 đồng/ngày). Nhờ làm ăn có lãi, xưởng đã đầu tư thêm được một số máy móc để nâng cao chất lượng và năng suất công việc. Bên cạnh đó, các thành viên trong nhóm còn giúp cho không ít anh em đoạn tuyệt hẳn với ma túy, làm lại cuộc đời.

Còn nhiều rào cản

Hiện nay, người nhiễm HIV đã bắt đầu được khẳng định chỗ đứng của mình trong xã hội. Cánh cửa việc làm cũng bắt đầu hé mở đối với họ. Tuy nhiên, vẫn còn quá nhiều “rào cản” ngăn trở bước đi của họ. Vì lý do sức khỏe và hoàn cảnh gia đình, đa số người nhiễm HIV đều không có việc làm ổn định. Số xin được việc làm và được hỗ trợ chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, hiện các DN không dám nhận những lao động đã có hồ sơ đi cai nghiện ma túy, vì những đối tượng này không đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe, trình độ chuyên môn. Bên cạnh đó, các DN rất sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín khi có người nghiện vào làm việc. Vì thế, khi những người trong nhóm dễ tổn thương bởi HIV/AIDS đến xin việc làm tại các DN đều bị từ chối cũng là điều dễ thông cảm. Ngay bản thân DN cũng chưa nhận được sự hỗ trợ hay chế độ chính sách ưu đãi nào từ nhà nước trong việc nhận người nhiễm HIV/AIDS vào làm việc.

Không chỉ thế, theo quy định, người nhiễm HIV được bí mật về tình trạng bệnh của mình. Vì thế, khi một tổ chức đứng ra bảo lãnh, liên hệ đào tạo nghề hay xin việc cho họ rất dễ gặp vướng mắc khi người đứng đầu cơ sở đó đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh sức khỏe tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm thì mới tiếp nhận. Có cơ sở mặc dù đã chấp nhận cho người nhiễm HIV vào làm việc nhưng lại không tạo điều kiện cho họ khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe.

Với những cơ sở của người nhiễm HIV làm việc, kinh doanh theo nhóm, một trong những khó khăn là thiếu người đứng ra kêu gọi đầu tư; tập trung, bố trí công việc cho người nhiễm HIV; đồng thời tìm kiếm đối tác kinh doanh, đầu ra cho sản phẩm của mình.

Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, hiện nay, ngân hàng chưa có chính sách cho những người thuộc nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS vay vốn làm ăn. Điều này cho thấy sự bất cập trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trong nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS.

 Vào tháng 6/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định cho các hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương được vay vốn ưu đãi, với mức 20 triệu đồng/cá nhân và 30 triệu đồng/hộ gia đình, có thể được vay nhiều lần. Quyết định này ra đời hy vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội về vay vốn làm ăn cho các đối tượng nhiễm HIV/AIDS. Nhưng trong giai đoạn 2014-2016, chính sách này mới được áp dụng thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố trong cả nước. Dự kiến, từ năm 2017 chính sách này mới được thực hiện đồng loạt trên phạm vi toàn quốc.

Bên cạnh đó, trong đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn” giai đoạn 2009-2020 cũng chỉ rõ: Mọi lao động nông thôn có cơ hội được học nghề để tạo việc làm, chuyển nghề, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống mà không phân biệt giữa người nhiễm HIV hay không nhiễm. Điều đó thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với các đối tượng chưa có việc làm hoặc việc làm chưa ổn định. Đây cũng là cơ hội để người nhiễm bệnh được học nghề và kiếm việc làm. Tuy nhiên, thực tế số lượng người trong nhóm dễ bị tổn thương bởi HIV/AIDS đăng ký học nghề chưa nhiều, phần do mặc cảm, tự ti với bệnh tật, phần khác còn thiếu mạnh dạn và chưa suy nghĩ nghiêm túc trong việc chọn nghề để học.

Tại một hội thảo liên quan đến việc làm của người nhiễm HIV và những người chịu ảnh hưởng của HIV/AIDS, ông Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế khẳng định: Trong một tương lai gần nhà nước sẽ có những chính sách cụ thể để khuyến khích và hỗ trợ việc làm cho người có HIV và ảnh hưởng của HIV/AIDS. Nhưng, từ thực tế trên cho thấy, người nhiễm HIV vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong quá trình tìm việc làm để có thu nhập, cải thiện cuộc sống. 

Người sử dụng lao động không được có các hành vi: Chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc gây khó khăn trong quá trình làm việc của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; ép buộc người lao động còn đủ sức khỏe chuyển công việc mà họ đang đảm nhiệm vì lý do người lao động nhiễm HIV; từ chối nâng lương, đề bạt hoặc không bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động vì lý do người lao động nhiễm HIV; Yêu cầu xét nghiệm HIV hoặc xuất trình kết quả xét nghiệm HIV đối với người dự tuyển lao động, từ chối tuyển dụng vì lý do người dự tuyển lao động nhiễm HIV, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này.

(Trích Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)

 

Lan Hương