Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị khối u trực tràng nguy kịch

Sức khỏe - Ngày đăng : 13:48, 30/11/2015

Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (Đắk Lắk) phối hợp với Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng máy cắt, khâu tự động (Stappler) phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị khối u trực tràng đang nguy kịch.

Bệnh nhân được cắt khối u trực tràng thành công là chị Nông Thị Nhói (người Tày, sinh năm 1963, ngụ tại thôn 12, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk).

Chị Nông Thị Nhói từng được mổ cắt tử cung, nhưng sau khi mổ, bệnh nhân bị rò nước tiểu giữa bụng đái với âm đạo và đã phải mổ lần 2 để khắc phục. Ngày 29/11, chị Nông Thị Nhói được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh để mổ cắt khối u trực tràng.

Được sự hỗ trợ của Thạc sỹ, Bác sỹ Ung Văn Việt của Khoa ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và các bác sỹ Khoa ngoại, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã hội chẩn và tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.

Trong quá trình phẫu thuật, các bác sỹ đã sử dụng máy cắt, nối tự động để mổ cắt và khâu tự động vị trí khối u trực tràng, cứu sống bệnh nhân.

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị khối u trực tràng nguy kịch

Máy khâu nối tự động

Thạc sỹ, Bác sỹ Phạm Hòa Anh, Khoa ngoại thuộc Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, đây là lần đầu tiên, Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cũng như các bệnh viện ở Tây Nguyên sử dụng công nghệ mới của Mỹ để cắt nối tự động, cắt bỏ thành công khối u trực tràng, cứu sống bệnh nhân.

Ưu điểm lớn nhất của máy cắt, nối tự động là cắt, khâu, nối tự động ở những vị trí khó thực hiện bằng tay, rút ngắn thời gian phẫu thuật từ 30 đến 60 phút; giảm tình trạng mất máu, giảm tổn thương cho những vùng xung quanh của bệnh nhân.

Phẫu thuật cứu sống bệnh nhân bị khối u trực tràng nguy kịch

Các y, bác sỹ phẫu thuật cho chị Nông Thị Nhói

Bệnh nhân Nông Thị Nhói có bảo hiểm y tế. Tuy nhiên, tại tỉnh Đắk Lắk chưa áp dụng chi trả chi phí mổ bằng máy cắt, nối tự động nên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh đã hỗ trợ 50% chi phí, còn lại bệnh nhân phải tự chi trả.

M. Chiến