217 ngày căng thẳng của các bác sĩ chăm sóc người phụ nữ suy thận mang thai
Sức khỏe - Ngày đăng : 18:35, 14/10/2015
Là người trực tiếp điều trị, hỗ trợ chăm sóc cũng như chính tay cầm dao mổ sinh cho sản phụ Hoàng Ngọc Yến (31 tuổi, Lĩnh Nam, Hà Nội), PGS.TS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ - Sản, Bệnh viện Bạch Mai không thể nào quên được cảm giác nơm nớp lo lắng mỗi ngày. Ông cho biết đây là một ca bệnh đặc biệt nhất từ trước tới nay mà ông từng điều trị.
PGS.TS. Phạm Bá Nha, Trưởng khoa Phụ - Sản, Bệnh viện Bạch Mai
Chị Hoàng Ngọc Yến mang thai khi đã có thâm niên chạy thận nhân tạo 7 năm liền. Chính vì bị bệnh thận mà cách đây 7 năm về trước chị đã không giữ được đứa con đầu lòng. Nay chị mang thai và quyết định giữ lại cái thai quả là một quyết định quá khó khăn và đầy thách thức không chỉ với bản thân chị - một người mang bệnh mà còn khó khăn với cả đội ngũ y bác sĩ các Khoa Thận Nhân tạo, Khoa sản và Khoa nhi.
Đề xuất giữ lại cái thai của chị Yến và gia đình đã đặt đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai trước những rủi ro, nguy cơ và tai biến có thể xảy ra với bệnh nhân bất cứ lúc nào. Trước đó, tại Việt Nam chưa từng có tiền lệ về quy trình điều trị, chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo mang thai và sinh con. Những tiên liệu về các tình huống xấu có thể xảy ra được liên tiếp đề cập và điều nhìn thấy trước là khó khăn chồng chất khó khăn.
Nhưng nếu không quyết tâm giữ lại cái thai thì chị Hoàng Ngọc Yến vĩnh viễn không bao giờ được hưởng trọn niềm vui của một người mẹ, những bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác gần như tắt hy vọng về một tương lai đầy ắp tiếng trẻ thơ. Để tạo tiền lệ, rút kinh nghiệm cho những bệnh nhân tiếp theo, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã họp bàn và xây dựng một quy trình điều trị, chăm sóc đặc biệt đối với bệnh nhân Hoàng Ngọc Yến.
Mẹ con chị Hoàng Ngọc Yến nhận hoa chúc mừng từ các y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai
Nếu như trước đây, chị Yến phải chạy thận nhân tạo với chu kỳ 3 lần/ngày thì từ ngày mang thai chu kỳ của chị tăng lên 6 lần/ngày. Tất cả phác đồ điều trị, thuốc men cũng như chế độ dinh dưỡng của chị Yến đều đã được các bác sĩ tính toán và thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho mẹ và sự phát triển bình thường cho bé.
Một vấn đề phát sinh là trong quá trình mang thai, độc tố trong cơ thể chị Yến tăng lên rất nhiều, nhất là thời gian giữa các lần chạy thận nhân tạo, buộc các bác sĩ phải thường xuyên điều chỉnh việc điều trị và thuốc men.
Cùng với đó là huyết áp bệnh nhân luôn cao, xảy ra những biến loạn khiến các bác sĩ quay cuồng đối phó. Đặc biệt, đến tuần thứ 22, chị Yến ra huyết nhiều, các bác sĩ đã yêu cầu chị Yến nằm điều trị ở Khoa sản và hàng ngày chị Yến vẫn phải di chuyển xuống Khoa Thận nhân tạo để chạy thận.
Giữ được đứa bé trong bụng đã khó nhưng để đứa bé chào đời khỏe mạnh còn khó hơn nhiều. Nhất là khi chị Yến liên tiếp có dấu hiệu dọa đẻ non, việc này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ nhất là hệ hô hấp, tuần hoàn.
Con trai chị Yến đã tăng lên 2,1kg, các chỉ số về sức khỏe được các bác sĩ đánh giá tốt
“Khi thai được 31 tuần tuổi, chị Yến chuyển dạ sinh và chính tôi là người cầm dao mổ sinh cho chị ấy. Hôm đó là vào ngày Chủ nhật, bản thân tôi cũng như các y bác sĩ trong phòng mổ rất lo lắng, hồi hộp. Khi đó, ngoài các bác sĩ Khoa sản còn có các bác sĩ Khoa nhi túc trực bên cạnh để đón và điều trị cho cháu. Cháu sinh ra nặng 1,5kg, các chỉ số về sức khỏe tốt, cả ê kíp mổ sung sướng vỡ òa ”, PGS.TS. Phạm Bá Nha kể lại.
Trong Sản khoa, các bác sĩ kỳ vọng tuổi thai từ 32 tuần trở lên, nhưng với trường hợp của sản phụ Hoàng Ngọc Yến để giữ được thai 31 tuần tuổi là một điều kỳ diệu trong nhiều thập niên qua.
Cho đến thời điểm này, khi cháu bé đã tăng lên 2,1kg, thì các bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm và nhắc lại hành trình đã qua như một kỷ niệm đẹp, đáng nhớ trong đời mỗi người hành nghề y.
Với thành công này TS. Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai nhận định, các bệnh nhân chạy thận nhân tạo khác hoàn toàn có quyền hy vọng về những điều tốt đẹp trong tương lai. Chính vì thế ông nói, những ngày tháng sống trong nơm nớp lo lắng, căng thẳng của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Bạch mai đã được đền đáp xứng đáng. Đây là trường hợp đầu tiên của Việt Nam và sẽ được rút kinh nghiệm, rất có thể sẽ được áp dụng, triển khai trong toàn quốc.