“Quả bom nguyên tử Thalassemia” đã nổ ở Việt Nam”

Sức khỏe - Ngày đăng : 22:34, 26/09/2015

Với con số hơn 10 triệu người mang gen bệnh tan máu bẩm sinh (hay còn gọi là bệnh Thalassemia), GS.TS Nguyễn Anh Trí đã thốt lên rằng: “Quả bom nguyên tử Thalassemia” đã nổ ở Việt Nam”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, bệnh huyết sắc tố là nhóm bệnh di truyền phổ biến nhất trên thế giới, trong đó bao gồm bệnh Thalassemia. Trên toàn cầu, có khoảng 80 đến 90 triệu người mang gen bệnh Thalassemia (chiếm 1,5% dân số thế giới), trong đó 50% là ở khu vực Đông Nam Á (tỷ lệ người mang gen Thalassemia tại Đông Nam Á khoảng 7,6% dân số). Mỗi năm, thế giới có khoảng 60 – 70 nghìn trẻ em sinh ra bị bệnh Thalassemia mức độ nặng. 

Tại Việt Nam, ước tính có khoảng 10 triệu người mang gen bệnh Thalassemia. Bệnh Thalassemia xuất hiện ở tất cả các tỉnh, thành trong cả nước, nhưng chủ yếu ở vùng núi, chiếm tỷ lệ cao ở một số dân tộc như Stiêng (63,9%), Êđê (32,2%), Khmer (28,2%), Mường (21,74%). Số bệnh nhân Thalassemia thể nặng cần điều trị thường xuyên là trên 20 nghìn người, mỗi năm có khoảng 2 nghìn trẻ sinh ra mang gen bệnh này.

“Quả bom nguyên tử Thalassemia” đã nổ ở Việt Nam”

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam

GS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, Chủ tịch Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam đã thốt lên rằng: ““Quả bom nguyên tử Thalassemia” đã nổ ở Việt Nam. Điều nguy hiểm nhất là chúng ta không nghe được tiếng nổ của “quả bom nguyên tử Thalassemia” vì đây là một bệnh lý bẩm sinh di truyền. Gen bệnh len lỏi trong cơ thể người bệnh, truyền từ người này qua người khác, thế hệ này qua thế hệ khác, là gánh nặng cho gia đình, xã hội và làm tổn hại giống nòi dân tộc Việt Nam”.

GS.TS Nguyễn Anh Trí khẳng định, bệnh Thalassemia hoàn toàn có thể phòng được nhưng lại không thể chữa khỏi hoàn toàn. Với những người đã mắc bệnh Thalassemia, theo GS.TS Nguyễn Anh Trí chỉ có hai cách để duy trì đời sống bình thường bằng cách kết hợp giữa truyền máu và thải sắt. Theo số liệu thống kê năm 2014, cả nước tiếp nhận hơn 1 triệu đơn vị máu từ các chương trình hiến máu nhân đạo, thì riêng bệnh nhân Thalassemia đã cần đến 480 đơn vị máu.

Để công tác phòng bệnh Thalassemia đạt hiệu quả, thì đội ngũ cán bộ gồm các y bác sĩ về Huyết học, Nhi khoa, Sản khoa, Nội khoa…cần phải được đào tạo bài bản về căn bệnh này. Bên cạnh đó, cần nâng cấp hệ thống xét nghiệm, nâng cấp các cơ sở điều trị để tiếp nhận bệnh nhân vào truyền máu và thải sắt. Bên cạnh đó, phải tuyên truyền, phổ biến rộng rãi kiến thức về bệnh Thalassemia đến toàn dân để người dân biết và có cách phòng tránh. “Chúng ta phải tiếp cận được người mang gen bệnh (hơn 10 triệu), thông qua các xét nghiệm hướng họ đến việc kết hôn, sinh con tránh xuất hiện gia đình đồng hợp tử tức là cả vợ và chồng đều mang cả gen bệnh”, GS.TS Nguyễn Anh Trí nói.

Hiện, ở các bệnh viện lớn như Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các bệnh viện trong TP. HCM và các Trường đại học Y, Dược đã được trang bị các kỹ thuật chẩn đoán như: Tế bào học, Sinh hóa, Điện di, đặc biệt là Di truyền sinh học tập hợp…tất cả những kỹ thuật này giúp chẩn đoán bệnh và tìm ra những gen đột biến.

Để làm tốt và triệt để công tác phòng, chống bệnh Thalassemia đòi hỏi một chương trình lớn, dài hơi với sự tham gia của rất nhiều chuyên khoa, thậm chí nhiều bộ ban ngành thì mới hạn chết được gen bệnh này, một bệnh lý có thể nói là rất nặng nề. Một chương trình quốc gia về bệnh Thalassemia và học tập kinh nghiệm quốc tế là rất cần thiết.

Đắc Chuyên