Tin sức khỏe ngày 19/8: Triển khai kế hoạch "90-90-90" phòng chống HIV/AIDS
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:21, 19/08/2015
Triển khai thí điểm kế hoạch "90-90-90" phòng chống HIV/AIDS
Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, Kế hoạch "90-90-90" sẽ được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh (gồm: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh) từ 2015 - 2017.
Việt Nam là một trong số những nước thực hiện chiến lược tiếp cận "90-90-90" vào năm 2020 theo sáng kiến của Chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Liên hiệp quốc nhằm hướng tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.
Kế hoạch "90-90-90" phòng chống HIV/AIDS sẽ được triển khai thí điểm tại 5 tỉnh (gồm: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Thanh Hóa và Thành phố Hồ Chí Minh) từ 2015 - 2017.
Kế hoạch "90-90-90" gồm 3 mục tiêu: 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV liên tục; và 90% số người điều trị ARV kiểm soát được virus ở mức thấp và ổn định.
TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Cục sẽ xây dựng khung kế hoạch, trên cơ sở đó sẽ cùng các nhà tài trợ đi kiểm tra, hỗ trợ 5 tỉnh thực hiện thí điểm.
Về phía các tỉnh cần có hoạt động cụ thể và có kế hoạch chung để đạt mục tiêu "90-90-90", đồng thời thiết lập hệ thống theo dõi và giám sát để kiểm tra, đánh giá thường xuyên.
Kế hoạch sẽ được nhân rộng ra ở các tỉnh khác sau khi có kết quả tốt từ 5 tỉnh.
Lập các tổ y tế ứng trực phục vụ míttinh, diễu binh ngày 2/9
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, trong 2 ngày diễn ra tổng duyệt và Lễ míttinh, diễu binh, diễu hành chính thức vào ngày 2/9, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo các bệnh viện được phân công bố trí nhân lực, phương tiện, thuốc, trang thiết bị để thực hiện chăm sóc y tế đối với đối tượng tham dự míttinh, diễu binh, diễu hành.
Lập các tổ y tế ứng trực phục vụ míttinh, diễu binh ngày 2/9. Trong ảnh: Tổ y tế phục vụ dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Bộ Y tế bố trí các tổ y tế, bệnh viện để xử trí các trường hợp cấp cứu và điều trị kịp thời đối với các đại biểu tham dự míttinh, diễu binh, diễu hành trong trường hợp không may bị ốm, chấn thương, tai nạn.
Các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Y tế Bộ Quốc phòng, Cục Y tế Bộ Công an, Cục Y tế Giao thông vận tải, Sở Y tế Hà Nội chuẩn bị sẵn các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống cấp cứu chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa nếu có.
Bên cạnh đó, công tác y tế còn đảm bảo vệ sinh môi trường, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trước và trong thời gian diễn ra lễ míttinh, diễu binh, diễu hành; đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm, phối hợp với các lực lượng chức năng tổ chức kiểm dịch trước và trong thời gian diễn ra míttinh, diễu binh, diễu hành.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Bộ Y tế đã phân công 15 bệnh viện thành lập các tổ y tế, mỗi tổ gồm 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 1 lái xe và 1 xe cứu thương được trang bị đầy đủ cơ số thuốc, trang thiết bị y tế. Riêng Cục Quân y Bộ Quốc phòng đã thành lập 28 tổ y tế để đảm bảo sức khỏe cho các cán bộ y tế suốt thời gian tập luyện vừa qua và trong ngày sơ duyệt.
Cơ sở bánh mì gây ngộ độc hàng loạt tại Đà Lạt bị dừng hoạt động
Cơ sở bánh mì gây ngộ độc hàng loạt tại Đà Lạt đã bị dừng hoạt động. Trong ảnh: Các bệnh nhân đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN
Ngày 19/8, BS. Bùi Văn Độ, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Lâm Đồng cho biết đã phát hiện vi khuẩn salmonella - vi khuẩn gây ngộ độc có trong mẫu bệnh phẩm các bệnh nhân trong vụ ngộ độc hàng loạt do ăn bánh mì, từ ngày 13 - 16/8 vừa qua trên địa bàn TP. Đà Lạt.
Các bệnh nhân này sau khi ăn bánh mì từ cơ sở bánh mì 24h (đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, P. 7, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã phải vào viện cấp cứu trong tình trạng nôn ói, tiêu chảy nặng, đau bụng khó thở...
Qua kiểm tra, cơ sở bánh mì 24h chưa có hợp đồng mua bán các nguyên liệu dùng để chế biến bánh mì nhân thịt; chưa bảo quản thực phẩm đúng cách; chưa đảm bảo vệ sinh ATTP.
Cơ quan chức năng đã buộc cơ sở bánh mỳ 24h dừng mọi hoạt động mua bán cho đến khi thực hiện đủ các quy định tiêu chuẩn.
Bị đốt gần 50 mũi vì vô tình giẫm phải ong vò vẽ
Báo Tuổi trẻ Online ngày 19/8 đưa tin: Khoảng 21h ngày 17/8, ông Da được người nhà đưa tới Phòng khám đa khoa khu vực Cây Chanh, xã Đỉnh Sơn (thuộc chi nhánh Bệnh viện đa khoa Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) trong tình trạng sốt cao, nôn mửa, toàn thân đau buốt...
Theo bà Nguyễn Thị Lan (vợ ông Da), trưa 17/8, ông Da đến nhà em họ chặt mây về làm dây xâu mũi bò. Ông vô tình đạp lên tổ ong vò vẽ to bằng chiếc nón ngay dưới gốc mây, và sau đó bị cả đàn ong túa ra chích tới tấp.
Ông Da bị ong vò vẽ đốt gần 50 mũi vì vô tình giẫm phải tổ ong võ vẽ hiện nằm điều trị tại bệnh viện. Trong ảnh: Tổ ong vò vẽ. Ảnh: Thành Văn
Đến chiều tối ông Da có biểu hiện sốt cao, toàn thân đau buốt, sưng tấy, nôn mửa. Người nhà đã chuyển ông đến phòng khám. Qua kiểm tra cho thấy ông Da bị ong đốt gần 50 mũi khắp cơ thể, trong đó tập trung chủ yếu ở phần đầu với 21 vết đốt.
Các bác sĩ đã tiêm thuốc, truyền giải độc nên sức khỏe ông Da hiện ổn định, dự kiến sẽ xuất hiện trong vài ngày tới.
Công bố quyết định thành lập BV Ung bướu Đà Nẵng vào 1/9
Ngày 19/8, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho biết, quyết định thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ được công bố vào 1/9 tới.
Quyết định thành lập Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ được công bố vào 1/9
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng được thành lập trên cơ sở tổ chức lại Khoa Ung bướu (Bệnh viện Đà Nẵng) và tiếp nhận nguyên trạng tổ chức bộ máy, người lao động, cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài sản… của Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng (thuộc Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh TP Đà Nẵng).
Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng sẽ là bệnh viện công lập chịu sự quản lý, chỉ đạo của Sở Y tế thành phố.