Quốc hội thảo luận Nghị định phân giới cắm mốc biên giới giữa Việt Nam và Campuchia
Chính trị - Ngày đăng : 08:56, 18/11/2019
Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường biểu quyết thông qua Nghị quyết phê duyệt Đề ánn tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn.
Sau đó, Quốc hội thảo luận về việc phê chuẩn Hiệp ước bổ sung Hiệp ước Hoạch định biên giới quốc gia năm 1985 và Hiệp ước bổ sung năm 2005 giữa Việt Nam và Campuchia; Nghị định thư Phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Campuchia./.
Phiên họp toàn thể tại hội trường sáng 15/11, Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV
Trước đó ngày 15/11/2019, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 20 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Buổi sáng,
Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Tại phiên họp, Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật doanh nghiệp (sửa đổi); nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về hai dự án Luật này.
Đối với dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về một số nội dung sau: phạm vi điều chỉnh; nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư, các luật có liên quan và điều ước quốc tế; chính sách đầu tư kinh doanh; các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; các ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; vấn đề ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; các ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài có điều kiện.
Liên quan đến nội dung cụ thể, có ý kiến đại biểu đề nghị cần quy định đầy đủ, chặt chẽ về hành lang pháp lý cho loại hình dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê; quy định cụ thể, rõ ràng về tiêu chí phân địa bàn được và không được tiếp cận với nhà đầu tư nước ngoài; cân nhắc các ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài về đất đai bảo đảm với lợi ích của Nhà nước; tiêu chí chuyển nhượng dự án;…
Đối với dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), thảo luận tại Tổ, các đại biểu tập trung cho ý kiến về: phạm vi điều chỉnh; việc thực hiện đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử; về con dấu của doanh nghiệp; quyền của cổ đông phổ thông; cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ; về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; việc phát hành trái phiếu; về hộ kinh doanh; về tinh giản thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển; về vấn đề chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài;…
Buổi chiều
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ tư pháp Lê Thành Long thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi);
Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội tiến hành thảo luận ở Tổ về hai dự án Luật này.
Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, thảo luận tại Tổ, các đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đồng thời nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng; kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thi hành Luật.
Bên cạnh đó, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung sau: Về phạm vi sửa đổi, bổ sung; trách nhiệm chủ trì việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh; việc bổ sung hình thức văn bản nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; hình thức thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán nhà nước; việc bỏ quy trình lập đề nghị xây dựng đối với một số nghị định của Chính phủ, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; việc bổ sung các trường hợp và thẩm quyền quyết định xây dựng, ban hành văn bản theo trình tự, thủ tục rút gọn…
Đối với dự án Luật Thanh niên (sửa đổi), thảo luận tại Tổ, về cơ bản các đại biểu tán thành với nhiều nội dung trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng, việc sửa đổi Luật Thanh niên là yêu cầu tất yếu khách quan, một mặt đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đề ra, mặt khác nhằm thể chế hóa các quan điểm, Nghị quyết của Đảng; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013; tạo hành lang pháp lý và điều kiện cho thanh niên phát huy sức trẻ, trí tuệ đóng góp vào sự phát triển của quốc gia, dân tộc.
Ngoài ra, các các đại biểu quan tâm, tập trung thảo luận về một số nội dung như: Độ tuổi thanh niên; cơ quan quản lý nhà nước về thanh niên; quy định về Ủy ban quốc gia về thanh niên Việt Nam trong Luật; chủ thể có trách nhiệm đối thoại với thanh niên; quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của nhà nước đối với thanh niên; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên; tổ chức thanh niên…